Ngày 26.9.2017, tại tọa đàm “Giúp phụ nữ tiếp cận phương pháp tránh thai hiện đại” do báo Phụ nữ thành phố tổ chức, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Phó Chủ tịch hội Sản phụ Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ – nhiều năm gắn bó với công việc chăm sóc sức khỏe sinh sản đã chia sẻ: “Tôi cứ ám ảnh câu chuyện của một cô gái 18 tuổi mà chính tay tôi tiếp nhận thời còn làm việc ở Bệnh viện Từ Dũ”.
GS Ngọc Phượng kể lại, cô gái ở Hóc Môn, có người yêu và có thai ngoài ý muốn. Sợ cha mẹ biết, cô gái đến một cơ sở phá thai chui và không may xảy ra tai biến. Người phụ nữ phá thai cho cô bé đã đưa cô vào Bệnh viện Từ Dũ bằng xích lô rồi bỏ trốn. Mặc dù đã cố gắng nhưng các bác sĩ không cứu được cô gái nữa. Tối hôm đó, người yêu của cô gái tới bệnh viện nhận xác cô. Cậu thanh niên còn rất trẻ, gương mặt hối lỗi và đầy ám ảnh.
GS Ngọc Phượng cũng kể về những nữ công nhân đến bệnh viện khám trong tình trạng nịt bụng chặt cứng dù đang mang thai. Các cô giấu chuyện mình mang thai khi chưa có chồng nên đã phải nịt bụng chặt cứng rồi đến công ty đi làm bình thường. Không ít cô gái tới ngày sinh đã vào nhà vệ sinh để “vượt cạn một mình” rồi vứt con vào thùng rác. Đó là lý do các công ty thỉnh thoảng lại phát hiện xác trẻ em sơ sinh.
Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em, Bộ Y Tế, tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. BS Nguyễn Thị Bích Ty – Phó khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Từ Dũ – cho biết, năm 2016, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận 27.154 ca phá thai, riêng sáu tháng đầu năm 2017, bệnh viện có 14.159 ca đến bỏ thai. Phá thai ở trẻ vị thành niên chiếm hơn 1.000 ca. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 ca đến phá thai.
Ở Bệnh viện Hùng Vương, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương – cho biết, năm 2016 bệnh viện này có 15.129 ca đến nạo phá thai, trong đó, độ tuổi từ 18-25 có 3.922 ca. Sáu tháng đầu năm 2017, có 7.143 phụ nữ đến phá thai, độ tuổi từ 18-25 chiếm 1.646 ca. Trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 60-70 ca.
Theo GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, cần có thêm các chương trình tuyên truyền cho học sinh cấp 3 và công nhân, không chỉ ở thành phố mà còn ở vùng ngoại ô, tỉnh thành khác về vấn đề giáo dục giới tính cũng như các biện pháp tránh thai, an toàn tình dục: “Không hẳn là vì mục đích xóa bỏ tai tiếng Việt Nam là quốc gia đứng đầu về phá thai mà vì mục đích nhân văn hơn, để các em gái không còn dại dột mang thai ngoài ý muốn và lãnh những hậu quả nặng nề, đau lòng như chúng ta đã thấy”.