Người ‘cha’ chôn cất 20.000 thai nhi: Những sinh linh nào có tội gì?

Từ những sinh linh mãi mãi không ra đời đến những đứa trẻ may mắn được cứu vớt sự sống, ông đều nhận là “con”. Hơn 10 năm từ khi Báo Thanh Niên viết về ông, đến nay có 20.000 sinh linh được ông chôn cất.

Trời bỗng đổ mưa. Ông Tống Phước Phúc (53 tuổi, trú P. Phương Sài, TP. Nha Trang) phải tạm dừng việc chôn cất những thai nhi, đợi tạnh mưa mới có thể tiếp tục. Hôm nay, đã gần 6 giờ chiều mà ông chưa rời khỏi nơi ông gọi là “khu vườn của những thiên thần”.


Khu vườn của những thiên thần

Ông Phúc nâng niu cái hũ nhỏ bằng đất nung, bên trong là một thai nhi chưa đủ hình hài. Ông đặt nhẹ lên bàn thờ, rồi thắp nén nhang. “Người mẹ bất hạnh nào đó đã lặng lẽ đến bệnh viện, bỏ lại con. Thôi thì, con vắn số. Để ta đưa con đến một nơi yên nghỉ”, ông Phúc thì thầm.

Người ‘cha’ chôn cất 20.000 thai nhi: Những sinh linh nào có tội gì?

Ông Phúc thắp nén nhang để những sinh linh vô tội bớt phần lạnh lẽo trước khi đưa đi chôn cất.

Tầm 2 giờ chiều mỗi ngày, ông Phúc lại rời nhà mình trong một hẻm nhỏ ở đường Phương Sài, đưa những xác thai nhi vô tội mà ông xin từ những bệnh viện, nhà hộ sinh hoặc có khi là nhặt được từ những thùng rác, gốc cây… đưa về chôn cất, để “linh hồn các bé bớt phần lạnh lẽo”.

Nơi yên nghỉ của các bé là một triền đồi thuộc xã Diên Lâm (H.Diên Khánh, Khánh Hòa), cách trung tâm Nha Trang chừng 19 km.

“Hôm nay có 3 bé đã mãi mãi không ra đời”, ông Phúc nói. Rồi ông nhẹ nhàng đặt từng sinh linh bé bỏng xuống lòng đất. Vừa xây xong nấm mộ thứ 2 trong ngày, trời bỗng đổ mưa. Ông Phúc tạm gác lại việc chôn cất thai nhi, đợi tạnh mới có thể tiếp tục. “Mong là mưa mau dứt. Phải xây xong cho các con một nấm mộ, mình mới yên tâm được”, ông nói.

Hàng chục ngàn sinh linh mãi mãi không ra đời đã được chôn cất, nhang khói cẩn thận.

Đã hơn 15 năm trôi qua, đến nay, ông Phúc đã chôn cất hơn 20.000 sinh linh xấu số. Những mộ phần được chôn cất cẩn thận theo từng hàng lối. Quanh các ngôi mộ nhỏ luôn tràn ngập các sắc hoa. Ông Phúc nói rằng ông không thích gọi đây là một nghĩa trang thai nhi hay cái tên nào tương tự. Ông gọi là “khu vườn của những thiên thần”.

Ông Phúc nói thêm: “Những bé mà mình không biết thân nhân là ai, khi xây mộ, mình đặt cho các con một tên thánh, vì mình là người Công Giáo. Cũng có những bé được thân nhân đặt tên. Đó là trường hợp những người mẹ vì lý do nào đó mà quyết bỏ con, đến gửi mình chôn cất. Mình chỉ xin “con cho chú một cái tên của đứa bé, để chú xây cho bé nấm mộ, bé cũng được ấm lòng. Rồi có khi nào, con lên nhang khói cho con của con, thì con biết đó là một phần máu mủ mình”. Có những cái tên chỉ là để gợi nhớ…”.


“Khu vườn của những thiên thần” luôn ngập tràn sắc hoa

‘Dù chỉ mới vài ngày tuổi, vẫn là một con người’.

Hơn 15 năm trước, ông Phúc đưa vợ đến bệnh viện sinh. Vợ ông sinh khó, ở trong bệnh viện hai ngày hai đêm. Tại đây, ông Phúc chứng kiến nhiều cô gái trẻ xếp hàng trước khoa sản chờ phá thai. Hình ảnh đó ám ảnh ông mãi. Ông tự hỏi: “Không biết những sinh linh bé bỏng sẽ đi về đâu?”.

Giật mình, ông Phúc nghĩ đến vợ con và thấy sốt ruột. Ông chỉ biết đứng khấn, cầu xin cho “mẹ tròn con vuông”. 4 giờ 15 sáng, con trai ông chào đời. Vui mừng khôn tả, ông xuống dưới đi mua đồ ăn cho vợ. Khi ngang qua một gốc cây trong bệnh viện, ông thấy người ta bỏ một xác thai nhi ở đó, chỉ cắm lên một nén hương. Ông Phúc khựng lại một hồi lâu…

Những bé không rõ thân nhân, thì khi xây mộ, ông Phúc đặt cho các con một tên thánh.

Từ lúc đó, ông nảy sinh ý định xin những xác thai nhi về chôn cất. Ông dành dụm số tiền tích góp được mua đất ở khu vực đồi núi, đưa những sinh linh vô tội, nằm lạnh lẽo về lo hậu sự. Những ngày đầu, mỗi lần đi xin xác thai nhi, các bệnh viện, phòng khám cũng nghi ngờ, sợ ông làm điều gì xấu. Nhưng sau khi hiểu tấm lòng của ông, nhiều người đã cùng ông làm công việc thiện nguyện này.

Từ những sinh linh đáng thương đầu tiên, thứ hai, thứ ba… Đến nay, đã có hơn 20.000 xác thai nhi được ông Phúc đưa về chôn cất.

Những bé được đặt tên gợi mở, để khi người mẹ có dịp lên nhang khói cho con, thì biết đó là một phần máu mủ mình

“Hồi đầu, nhiều người dị nghị lắm. Họ hỏi “ông Phúc, từ một ông thợ xây, tự nhiên đi xin xác thai nhi về làm gì? Mình chỉ nói “xin về chôn cất, xây cho các con một nấm mồ”. Rồi họ hỏi tiếp “tại sao phải làm như vậy ?”. Mình trả lời “đó là cái duyên của mình, ngoài ra không có nợ gì hết”. Bằng cái tâm của mình, mình cứ âm thầm làm. Mình tâm niệm, một thai nhi, dù chỉ mới vài ngày tuổi, vẫn là một con người, một linh hồn. Mình trân trọng và xây một nấm mộ cho các con. Dần dần, mọi người hiểu việc mình làm là nhân văn, rồi có người góp xe cát, có người cho xe gạch… cùng chung tay với mình”, ông Phúc kể.

Ngày nào ông Phúc cũng có mặt tại đây, để nhang khói cho các con, nhổ cỏ dọn dẹp, tâm sự với các con.

Một khoảng thời gian rất lâu, từ khi đến thăm “khu vườn của những thiên thần”, tôi mới thấy ánh mắt ông Phúc như đang vui. Ông nói: “Mình cảm thấy việc mình làm đã góp phần mang lại một điều gì đó ý nghĩa cho cuộc sống. Trước đây, số thai nhi bị bỏ rất nhiều, có ngày 30 bé. Giờ đây có lẽ giới trẻ đã thấu hiểu nhiều hơn, việc nạo phá thai vì thế mà ít hơn. Hôm nay mình chôn cất 3 xác thai nhi, nhưng cũng có hôm không có bé nào. Đó là niềm an ủi rất lớn”.

“Bằng cái tâm của mình, mình cứ âm thầm làm. Mình tâm niệm, một thai nhi, dù chỉ mới vài ngày tuổi, vẫn là một con người, một linh hồn”, ông Phúc chia sẻ.

Nhiều bà mẹ lầm lỡ, từng có ý định phá thai, sau khi đến đây đã bỏ đi ý định từ bỏ con mình.

Trời đã tạnh mưa. Những sinh linh bé bỏng đã có một nấm mộ xinh xắn.

Hôm nay, ông Phúc về muộn.

Khi ông Phúc vừa mở cửa cổng, bọn trẻ trong nhà đã ùa ra, xúm lại quanh ông: “Ba về ! ba về..!.”.

Đó là những đứa trẻ đã được ông Phúc cứu sống, nuôi dưỡng, bảo vệ. Chúng may mắn vì đã được sinh ra…

Nguyễn Chung / Theo Thanh Niên ( còn tiếp)

Check Also

VẤN ĐỀ VỀ PHÔI ĐÔNG LẠNH – THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM (IVF)

Tác giả: Cha Francesco Giordano

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.