Sự sống của bé Giêrado Phạm Phúc Đức (Phần 2 – Chiến đấu để được cất tiếng gọi)

Mẹ 1 nơi con 1 nơi. Tôi không biết giờ thằng bé chắc cần mẹ ôm lắm đây. Thương con quá… Mới 3 ngày bác sĩ đã báo bé phải truyền máu, khi tôi được về nhà vắt sữa gửi vào cho con chỉ mong con được bú sữa nhưng không được, bé quá yếu không được uống sữa, mẹ tôi thăm bé về nói chắc nó không sống được đâu con à.

Người nó chuyển qua xám đen rồi, tôi thấy mình bất lực quá không làm được gì cho con. Rồi cũng tới ngày tôi được gọi lên để gặp đón con. Sau 18 ngày thấy con đẩy ra tôi như sụp đổ hoan toàn… Như 1 con chuột, đen như chì.. Đây là con mình sao, nó là con người à… Vừa ra được 15phút thì bác sĩ báo bé bị tím và có ý mẹ đưa bé về nhà thay vì họ nhận lại. Tôi năn nỉ bác sĩ để bé được vào khu cách ly ở lại, họ dường như muốn từ bỏ, muốn đưa vào thì mẹ tự đưa vào. Đồng ý, tôi nói với chồng hãy rửa tội cho con đi. Nếu bé không qua khỏi thì đã được lãnh nhận bí tích rửa tội rồi. Lạ thay sau khi rửa tội xong bé có tên Gierado Phạm Phúc Đức. Em ấy được đưa vào phòng cách ly với sự ngỡ ngàng của các cô bên trong, sao lại đưa vào đây, dạ bác sĩ nói bé tím người. Cô nói không có tím gì đâu bé bình thường mà. Thôi cứ ở đâu vì là chỉ định của bác sĩ.

Tình cảm mẹ con bắt đầu diễn ra khi hằng ngày tôi vào để ấp kangaroo cho con. Mẹ gọi em bé, mẹ ơi con dậy chơi với mẹ nha, mẹ tới thăm con nè. Ánh mắt đấy như chờ đợi từ bao giờ liền mở ra, mẹ ôm con mà nước mắt cứ rơi, còn con đôi mắt ngây thơ vẫn mở và người con được áp vào da thịt mẹ. 1 tuần ngày 2 tiếng bé thức dậy với mẹ, khi mẹ chào em về em lại nhắm mắt về…

Mẹ hạnh phúc với con đến khi con được về nhà. 18.2 đầy tháng của con. Cũng là ngày con ngưng thở, mẹ sơ cứu kiểu gì cũng không được, người con lạnh đi, mềm nhũn sắc da biến đổi rồi. Nửa đêm ba mẹ tức tốc đưa con đi Bệnh viện Nhi Đồng cấp cứu. Qua ngày sau tôi được bác sĩ gọi đến để đưa bé đi siêu âm nhưng chờ hoài không thấy con ra. Bà nội, ngoại cũng đứng chờ… Sốt ruột trong chờ đợi trong khi có 1 đứa bé được đẩy ra nhưng không ai đến đón em. Đứa bé có cơ thể bị sưng phồng lên, da trắng bệt.. Tò mò cầm tờ giấy lên thì ôi thôi là con của mẹ, tên của mẹ, ngày sinh của con. Sao mẹ không thể nhận ra được con…. Sau 2 ngày mới thấy bé về bình thường đúng là con chuột của mẹ. Nhưng mệt mỏi quá con ơi, bác sĩ nói con bị bệnh nhiều quá gồm viêm gan, viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não, nhiễm Rubella, não hóa vôi….tôi suy sụp thực sự…

 Hôm đấy lễ tro, tôi quá mệt mỏi, “Chúa ơi con mệt quá, con quá đuối rồi. Giờ con phải làm gì đây. Chúa cho con gửi lại đứa bé này được không, con trả lại cho Chúa đấy không kiệt sức rồi… ” ngày hôm sau tôi được tin bé được ra khỏi phòng cấp cứu.  Lòng tôi vui hơn 1 xíu nhưng nghĩ đến bệnh tình của con thì không vui được.khi đón con ra bác sĩ nói ” chúc mừng mẹ bé đã có kết quả, bé chỉ bị thiếu máu và viêm phổi, tất cả nhưng cái khác đều bình thường nếu sau này bé chậm thì có thể do Down”. Tôi ôm con khóc như 1 đứa trẻ. Lần đầu tiên có giọt nước mắt của hạnh phúc. 

Niềm vui chưa bao lâu thì áp lực lại đến, con chẳng biết bú, mẹ phải đút cho con từng thìa sữa. 20ml hết 1 tiếng đồng hồ. 1 ngày 8 cữ. Tôi bị trầm cảm cứ có tiếng nói ” giết nó đi, nó sống khổ lắm”. Tôi lại phải bỏ đi 1 nơi khác cố gắng trấn tĩnh, lại rơi nước mắt khi thấy mình là một bà mẹ quá tồi, quá tội lỗi nhưng tôi không biết làm cách nào để thoát ra được nó. Bình tâm lại con ơi biết bao đứa trẻ nằm trong kia còn mang nhiều bệnh hơn con của con nhiều, có rất nhiều bà mẹ đau khổ hơn con nhiều, tôi nghe được tiếng nói trong tâm mình… Lòng lại nhẹ nhõm được 1 chút, tôi vào ôm con trong lòng mà nước mắt cứ rơi, không biết giọt nước mắt ấy là hạnh phúc hay đau khổ.

Ngày 8.3 bác sĩ nói bé tặng cho mẹ 1 món quà là bé được xuất viện, nhưng vì rơi vào Chúa nhật nên phải dời qua thứ 2 mới làm giấy tờ được. Nước mắt mẹ lại rơi trong hạnh phúc. Bác sĩ hẹn 2 ngày sau tái khám lại xem bé có thích nghi với môi trường gia đình không, kiểm tra mắt xem bé sinh non có bị bệnh võng mạc không… Lòng mẹ như trống đánh, cái cảm giác lo lắng lại ập về, thế là chưa xong, chưa yên tâm được con trai à. Lúc này con được 1,7kg.

Ngày đưa con đi tái khám lại mọi thứ với con tương đối ổn, tim con hở van 2 lá 1/4. Mắt đang phát triển tốt mẹ lại khóc vì vui mừng phần nào. 3 tuần sau mẹ đưa con đi khám mắt lúc này con được 2,1 kg. 1 bác sĩ và 1 y tá nói với mẹ ” thôi mẹ à, mẹ bỏ nó đi, mấy đứa Down mai mốt chẳng nhờ được gì đâu, bỏ đi sinh đứa khác” mẹ hỏi bác sĩ “bỏ đi đâu, bác nuôi không em cho”. Cứ mỗi lần nhắc tên Down là lòng mẹ như thắt lại, mẹ càng buồn hơn khi mẹ đang cố gắng phấn đấu cho con từng ngày thì ngoài kia họ lại coi con mẹ là thứ bỏ đi. Nước mắt mẹ lại rơi tôi nói với con. Mẹ cố gắng cho con đi khám mắt đến cuối cùng rồi mẹ con mình đừng đến nơi này nữa nhé, con có sợ không chứ mẹ sợ lắm, nó ám ảnh mẹ lắm con à. Mẹ biết con không đẹp không hoàn hảo không mũm mĩm không được mọi người trầm trồ cưng nựng nhưng con là con của ba mẹ,  mẹ sẽ cố gắng bảo vệ con tới cùng.

Rồi cuối cùng mắt bé cũng được khám xong và có được kết quả tốt không phải can thiệp bằng thuốc men gì cả. Điều mẹ mong đợi đã thành hiện thực. Nước mắt mẹ lại rơi mẹ ôm con ngồi khóc giữa sân bệnh viện như con khùng. Mẹ muốn hét thật to con mẹ có thể nhìn thấy đường… Nhưng mẹ phải kìm nén lại. Mẹ lại có chuyện khác phải lo cho con đó là sức khỏe. Từ khi con sinh ra tới giờ con chưa được chích ngừa 1 mũi nào, Lao, Viêm gan B… Mà tình hình dịch Covid đang diễn ra phức tạp quá. Con được 2,5kg là lúc mẹ chờ đợi được chích ngừa cho con mũi đầu tiên nhưng không được con à, mẹ đứng ngồi không yên, vì phổi con yếu, sợ con lại nhiễm bệnh… Nhưng mẹ tìm được niềm vui nho nhỏ đó là khi em đươc 2,5kg em bắt đầu được tắm, đã được gần giống như 1 đứa trẻ sơ sinh rồi. Mẹ theo dõi sát sao tình hình dịch để có thể chích ngừa cho con, mẹ gọi lên bệnh viện mừng quá sức khi được biết nhà nước đã cho phép chích ngừa, mẹ kể rõ tình trạng của con và họ nói con được chích vào ngày đó. Thế là ba mẹ lại chở con đi với niềm háo hức như trẻ được đi chơi. Lên tới nơi chờ mỏi mòn làm xong hết hồ sơ họ nhìn và phán hôm nay nó không được chích phải chích ngày mai. Mấy người có biết một lần đưa con đi là khó khăn hay không, 1 lần đi về là bỏ ăn vài ngày không? Tại sao tôi gọi hỏi và kể rõ tình trạng của bé thì hẹn hôm nay, nay thì hẹn mai. Mầy người có còn là con người không… Họ nói vậy chờ tới chiều 1h.  Mẹ không kiềm chế được mặt mẹ đanh lại… Cho tôi 1 lý do chính đáng… Người đấy nói vì “con chị bị Down. Nên để chích cho các bé bình thường xong rồi mới tới con chị”. Mọi người trong phòng bắt đầu dồn ánh mắt về phía mẹ. Mẹ cầm 1 xấp hồ sơ đập thẳng xuống bàn văng tung tóe. ” chị có phải là mẹ không, chị có còn tính con người không? Lương tâm chi để đâu, lời thề lương y như từ mẫu của chị ở đâu… ” chị ta im. Mẹ nói mẹ con mình về con à. 1 bà mẹ nói hay chị chích trước cho bé đi, nhà em gần chiều em qua cũng được, em thấy bé nhỏ xíu…mẹ thấy vui vì ít cũng có 1 người nhìn thấy được con mẹ nhỏ xíu đen nhẻm. Mẹ nói thôi chị à bác sĩ thì phải có cái tâm trong mũi thuốc chích, còn không có tâm thì là mũi thuôc độc.  Ba mẹ lại bế con qua Từ Dũ cũng kể rõ tình trạng của con nhưng họ từ chối vì 1 ngày họ chị chích cho 50 em và phải đặt trước. Tâm mẹ không tịnh được con à.

Ở nhà con bú thì ói. Vào bao nhiêu ra bấy nhiêu, ra ngoài thì có áp lực ở ngoài. Mẹ quá mệt mỏi. Nhưng mẹ sẽ không khóc nữa… Mẹ quyết định nói ba chở mẹ đi đến Kỳ Đồng cùng con. “Lạy mẹ maria, con biết mẹ thấy hết những khó khăn của 1 người mẹ là con, mẹ cũng đã là mẹ nên mẹ hiểu con mệt mỏi như thế nào. Mẹ cho con 1 đứa con nhưng thôi con không nhận nữa, con xin trả lại cho mẹ và chúa Giesu, ngày xưa mẹ chăm chúa hài đồng thế nào thì xin mẹ cũng chăm đứa trẻ này như vậy, con giờ đâu không còn là mẹ bé nữa con chỉ là vú nuôi chỉ cho bé ăn bé ngủ. Còn đau ốm bệnh tật thì xin chúa và mẹ lo giúp con”. Mẹ ra về nói với ba, em trả con cho Chúa và Mẹ Maria rồi, giờ em chỉ là vú nuôi thôi… Lòng mẹ nhẹ được phần nào… Con ngủ ngoan hơn, ít ói hơn.

Còn tiếp….

Check Also

MÓN QUÀ LƯU NIỆM KHI MANG THAI: NHỮNG TẾ BÀO KHÔNG PHẢI CỦA BẠN

Bài viết được viết bởi Carl Zimmer, Giáo sư kiêm nhiệm bộ môn Lý sinh …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.