BVSS( 28/12/2016) – Thiên Chúa mến yêu sự sống.
Sự sống là điều gì đó hết sức hiển nhiên, nhưng ngày nay lại trở thành vấn đề có có nhiều tranh cãi. Thiên Chúa yêu mến sự sống vốn là niềm tin và kinh nghiệm nền tảng, nhưng có nhiều người không nghĩ như vậy. Người ta muốn định nghĩa lại sự sống, định nghĩa lại cuộc sống. Thế là có bao nhiêu câu chuyện cuộc đời tự động rơi vào dòng lạc lõng và bị gạt ra bên lề.
Một người con được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha có mẹ. Người con ấy hiểu rất đơn giản và vững chắc rằng, mình có cha có mẹ. Cha mẹ thương nhau nên lấy nhau, thế là có mình trên đời, và chúng ta là một gia đình.
Có những người làm chuyện khác. Sử sách Trung Hoa có ghi chép lại chuyện người ta chọn lựa cho đứa con nào được sinh ra. Bậc hiền nhân kể rằng, người ta sống căn bản không dựa trên chữ nhân mà dựa trên danh và thế nhiều hơn. Ví như, khi sinh ra con gái, người cha quyết định không cho đứa con ấy sống; khi có đứa con trai, nó được quyền sống. Làm như thế, vì người cha nhìn về tương lai mà đứa con trai ấy có thể mang lại cho gia đình dòng tộc về danh tiếng và quyền thế, bởi vì nhất nam viết hữu thập nữ viết vô.
Nhắc đến đây, nhiều người sẽ nói rằng, ngày nay tại Việt Nam đâu còn cái thời cổ lỗ sĩ trọng nam khinh nữ ấy. Thực tế không hẳn như thế!
Không chỉ tại Việt Nam mà tại cả các nước tân tiến phát triển, người ta cũng quyết định xem đứa trẻ có được chào đời hay không, đứa trẻ có được thành người hay không. Lý do là gì thì có muôn vàn lý do, tùy người ta đưa ra. Ví như lý do kinh tế, ví như lý do ngoài ý muốn, ví như để nghiên cứu, ví như vì họ không thích… Có thể tóm tắt trong hai từ: quyền lợi và sở thích.
Mẹ Têrêsa Calcutta có câu trả lời rất kiên quyết và đầy thách đố cho vấn nạn này. Mẹ nói: Bạn đừng bỏ con của bạn, nếu bạn không nuôi bé, hãy đưa bé cho chúng tôi nuôi. Mẹ làm chúng ta nhớ lại Lời Chúa đã nói: Chẳng có người mẹ nào nỡ lòng bỏ con của mình, mà nếu có người mẹ nào bỏ con của mình chăng nữa, thì Ta không bao giờ bỏ rơi con.
Có những người muốn có con mà không muốn có chồng, tức là không muốn cho con có người cha. Có người muốn có con nhưng không muốn mang thai nên nhờ tới các biện pháp y khoa hiện đại. Có người muốn có con nhưng không nuôi con mà thuê mướn đủ mọi lớp người để nuôi dưỡng con. Có người muốn có con mà không dành giờ để con có thể có kinh nghiệm về tình mẹ cha. Đó mới chỉ là phác họa; thực tế còn vô vàn chuyện để nói, để bàn, để buồn, để cảm thông…
Đó là đứng từ góc nhìn của bậc cha mẹ. Giờ thì thử đi từ góc nhìn của những người con. Có lúc đứa con nhận thấy hình như mẹ thương mình hơn là cha thương. Hình như cha mẹ thương đứa con này hơn đứa con kia. Hình như có lúc cha mẹ thương mình, rồi có lúc lại rất ghét rất giận. Đó là cả con đường dài của kinh nghiệm làm con. Nhưng về căn bản, đó là cha mình là mẹ mình, và chắc chắn là thương yêu mình và lo lắng cho mình.
Chuyện đời không êm xuôi như thế. Thường thì chẳng có gia đình nào hoàn hảo. Có nhiều biến động phát sinh, có nhiều vết thương, nhiều đổ vỡ, nhiều chữa lành, cũng có nhiều niềm vui.
Rất khó có thể trưởng thành khôn lớn, khi một người biết chắc rằng, mình chẳng có cha mẹ, rằng cha mẹ thực sự loại bỏ mình, thực sự họ chẳng thương yêu gì mình. Đó là thực tế đau thương. Rất khó cho một con người khi khám phá ra rằng, cha mẹ sinh ra mình trong một hoàn cảnh bị ép buộc và chẳng đặng đừng mà phải nuôi mình… và còn bao nhiêu khổ tâm khác nữa từ nỗi lòng của những đứa con. Người con ấy có thể bị thui chột trong dòng đời xô đẩy, có thể tự khẳng định giữa đời nhưng sớm chuốc lấy những thất bại, có thể phá hoại cuộc đời vì thấy đời vốn xưa nay vẫn đen tối. Có một con đường của niềm tin, con đường khó lòng thấy nhưng thực sự là vậy.
Có một lần đứng ở góc đường sát bên nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tôi quan sát người ta đi lại. Lòng tôi chợt hỏi: Người ta cứ đi đi lại lại với tất cả những nhu cầu và sở thích, bằng cách nào mà người ta có thể có được một kinh nghiệm vững chắc rằng: chúng ta đều là con của Cha trên Trời và thực sự là anh chị em với nhau. Hình như niềm xác tín ấy có vẻ ngây ngô giữa chợ đời. Nhưng nếu không có một niềm tin như thế, bằng cách nào, những người con, những con người vốn bị gạt ra ngoài lề xã hội, có thể đứng thẳng lên một cách chính đáng, có thể có một thiện tâm trong lòng, có thể có một điểm tựa để vươn lên.
Có lần sau ăn tối, đi dạo quanh Quảng trường thánh Phêrô tại Roma, tôi thấy giữa trời đêm giá rét, có biết bao người không nhà không cửa, nằm dài bên lề đường và trong hành lang của Quảng trường. Tôi cũng thấy bóng dáng các nữ tu đang mang đồ ăn thức uống tới cho họ. Đó là những gì bé nhỏ mà Chúa có thể làm cho dân Ngài.
Lại có một câu chuyện khác. Chuyện về hai mẹ con, tuy có nhà cao cửa rộng mà vẫn ra lề đường để sống. Người mẹ vốn là một giáo sư uyên bác người Dothái. Mẹ con bà nhiều năm trải nghiệm trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Giờ đây mặc dù đã được giải thoát khỏi trại tập trung, đứa con trai của bà vẫn không thể thoát ra được nỗi ám ảnh kinh hoàng, đến nỗi anh không thể sống trong nhà nữa. Cứ vào trong nhà là anh chỉ còn biết khủng hoảng và la hét. Thế là với tình mẹ, bà chấp nhận sống cùng con trên lề đường, nơi mà con bà cảm thấy tự do và thoải mái. Thế đấy! Thiên Chúa luôn ở bên con cái Ngài.
Người ta thì đề cao quyền lợi và sở thích, còn Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu thương, một tình yêu không màu mè giả dối mà rất chân thật, bé nhỏ và tuyệt vời.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, Chúa cũng từng là một trẻ thơ bé xíu, xin thương chúng con….
Theo Dòng Tên Việt Nam