Đặc biệt cũng xin các bà các chị đừng bao giờ giết con. Cha xin thật lòng, đau khổ lắm khi nhìn những đứa con bị ma quỷ hành hạ. Đã có con xin hãy chịu khó sinh nở. Nếu không nuôi được thì cứ đem đến cho cha, để cha cho người khác. Đừng bao giờ giết con của mình. Cái tàn ác nhất của ma quỷ là giết người và xui người ta giết người.
Như thường lệ ngày 27/07/2017 Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có buổi tĩnh tâm tháng tại đền thánh Gierado giáo xứ Thái Hà. Từ sáng sớm đông đảo các hội viên từ khắp nơi xa gần đã về và dâng lên Mẹ những lời kinh, tiếng hát và những tâm tình của người con thảo. Đúng 08h00 cha linh hướng Gioan giúp cộng đoàn tĩnh tâm tháng.
Hôm nay thật là một ngày tĩnh tâm đặc biệt, trong thời điểm đặc biệt- tháng 7 trong năm cầu cho các gia đình. Hội Đồng Giám Mục đề ra năm “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống gia đình” cho thấy HĐGMVN thấy trước tình cảnh đổ vỡ của các gia đình trong bối cảnh xã hội hiện nay. Phần đông chúng ta ở đây đã lớn tuổi, đã vượt qua thời kỉ khủng hoảng trong đời sống gia đình. Nhưng những cặp vợ chồng trẻ hôm nay gặp rất nhiều khó khăn trong việc gìn giữ gia đình.
Trong kinh nghiệm Hội Thánh chúng ta biết ảnh hưởng vô cùng quan trọng của một người mẹ lên đời sống gia đình. Như hôm qua kính thánh Anna và thánh Gioan Kim, quả đúng như người xưa nói “xem quả biết cây” nhìn vào đời sống của Mẹ Maria ta đoán được đời sống đạo đức của 2 thân mẫu người là thánh Gioan Kim và thánh Anna. Dẫu ông bà son sẻ nhưng điều đó không làm ông bà sợ hãi, lo lắng hay đi tìm kiếm cái nọ cái kia bù đắp. Không. Ông bà đã vâng phục hoàn toàn trong lòng tin, nhờ vâng phục trong lòng tin đó nên ông bà được ơn sinh Đức Maria-mẹ của Thiên Chúa. Nhờ sự chăm sóc của ông bà, đời sống đạo đức của ông bà mà Đức Mẹ trở nên một người nữ tuyệt vời, được tuyển chọn là mẹ của Con Thiên Chúa làm người.
Như vậy cho thấy đời sống đạo đức của con cái phụ thuộc phần lớn đời sống đạo đức của người mẹ, người bà chứ không phải của người bố. Trong kinh nghiệm của cha khi chữa bệnh cho các bệnh nhân, cha đã chứng kiến nhiều cảnh rất đau lòng chỉ vì sự ảnh hưởng của mẹ lên đời sống con cái. Có những em khi viết về người mẹ họ xé nát tất cả, đập phá, la hét bởi vì nỗi buồn, nỗi hận dằn vặt làm em đau đớn. Nguyên nhân là vì mẹ đã không muốn có em, muốn bỏ rơi con từ khi con còn trong cung lòng mình. Chính điều đó dẫn em đến sự mặc cảm suốt đời, em luôn có cảm giác bị ruồng bỏ. Cũng vậy có em không thể chịu được cảnh tất cả anh chị em trong gia đình ăn cơm chung vui vẻ. Vì từ bé đến giờ bữa cơm trong gia đình em không bao giờ vui vẻ cả, bố mẹ luôn chửi bới, cãi nhau nên em hận những bữa cơm chung.
Những người con là vậy hạnh phúc hay đau khổ là bởi mẹ mà ra. Từ trong bào thai mà mẹ đã không muốn có nó thì nó sẽ đau khổ, sẽ bất hạnh cả đời. Khi đã mang lòng thù hận mẹ mình, bố mình thì không còn cách nào chữa lành cho họ, chỉ có Chúa mới giải thoát họ mà thôi. Đối với chúng ta trong năm nay, mà đã đi qua hơn một nửa năm rồi, đã là tháng 7 rồi, ta ý thức hơn về tầm quan trọng của người vợ, người mẹ trong gia đình, vì không ai khác, chính họ là người nắm giữ chìa khóa hạnh phúc của gia đình. Đặc biệt khi mang thai con-một gia đoạn cực kì quan trọng trong hình thành nhân cách trẻ, mọi tâm tư, tình cảm của mẹ sẽ là tâm tư, tình cảm của con.
Biết tầm quan trọng của thời kì thai nhi trong việc hình thành nhân cách trẻ nên cầu xin các mẹ khi mang bầu hãy chăm sóc và yêu thương con cái mình. Hãy tập sống đạo đức, thánh thiện, tập nghe thánh ca, lần hạt nói chuyện với con cái. Tin rằng như vậy con cái chúng ta cũng sẽ hạnh phúc, sẽ vui vẻ và sống thánh thiện.
Đặc biệt cũng xin các bà các chị đừng bao giờ giết con. Cha xin thật lòng, đau khổ lắm khi nhìn những đứa con bị ma quỷ hành hạ. Đã có con xin hãy chịu khó sinh nở. Nếu không nuôi được thì cứ đem đến cho cha, để cha cho người khác. Đừng bao giờ giết con của mình. Cái tàn ác nhất của ma quỷ là giết người và xui người ta giết người.
Một giai đoạn cũng không kém phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách trẻ từ 3-5t. Ta cần làm gì? Xin mời đọc phần tiếp theo…
Truyền thông Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp