Emmaus (12/07/2016) Có lẽ, ít ai phải chịu những nỗi đau tột cùng giống như Kiều Anh. Chỉ trong vòng 2 năm, khi tuổi đời còn rất nhỏ, em đã phải tiễn biệt cha, mẹ về thế giới bên kia và họ đều ra đi vì căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS.
Ngô Kiều Anh (HS lớp 7A, trường THCS Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An) là một cô bé xinh xắn với nụ cười tỏa nắng. Em cũng chính là tác giả của bức thư gửi mẹ từng khiến dư luận xôn xao hồi cuối tháng 3 vừa qua. Tác phẩm đã vượt qua 80 bức thư khác để giành giải nhất cuộc thi viết thư cho mẹ do trường Diễn Kỷ tổ chức.
Hơn cả việc lấy đi nước mắt, lá thư với những câu chuyện liên quan đến sự xa lánh của xã hội đối với con em của những gia đình không may có người mất vì HIV, những nỗi đau, nghị lực vượt lên số phận của cô bé học sinh lớp 7… tất cả đều khiến người đọc phải suy ngẫm. Và, khi gặp gỡ, nghe Kiều Anh kể về cuộc đời mình, câu chuyện của em, có lẽ còn làm nhiều người rơi lệ.
2 lần chịu tang cha, mẹ vì HIV và những ngày tháng “tự kỉ” vì bị kì thị
Theo lời ông Ngô Anh Tuấn (bác ruột của em), bố Kiều Anh từng sống một cuộc đời rất lành mạnh. Năm Kiều Anh khoảng 3 tuổi, ông ốm nặng và được nhiều bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Tuy nhiên, khi tái khám ở bệnh viện Lao & Phổi Trung ương, qua xét nghiệm máu, các bác sĩ tại đây khẳng định bố em mang H.
Không lâu sau đó, bố em mất khi tuổi đời còn khá trẻ và tròn một năm sau, mẹ Kiều Anh cũng ra đi vì HIV.
Mỗi ngày đến trường, Kiều Anh đều nhìn thấy các bạn khác vui vẻ bên cha, mẹ. Ngày mùng 8/3, 20/10, ai cũng háo hức mua hoa tặng mẹ… riêng em thì không. “Những ngày ấy, năm nào em cũng mang hoa đến cho mẹ. Chỉ khác là tặng ở một nơi rất xa. Nơi mẹ có thể nhìn thấy em, nhưng em không bao giờ nhìn thấy mẹ”.
Mất cha, mẹ khi còn quá nhỏ đã là nỗi đau khủng khiếp nhưng Kiều Anh càng cô đơn gấp bội khi bị bạn bè, họ hàng xa lánh. Kiều Anh tâm sự, suốt quãng thời gian kéo dài 3 năm (từ khi em đi học mẫu giáo), cô bé sống gần như khép kín và chìm sâu trong những nỗi đau không lối thoát.
“Lúc đó em còn nhỏ quá, cũng không hiểu HIV khủng khiếp đến mức nào”. Kiều Anh chỉ biết rằng, cha, mẹ các bạn thường cấm con họ chơi với em và mỗi lần em xin nhập cuộc vui nào cũng đều bị gạt ra rìa. “Họ coi thường, sợ hãi, xa lánh. Thậm chí, nhìn thấy em, họ sợ như thấy ác quỷ”.
Nghị lực vươn lên và ước mơ bình dị của cô học sinh giỏi văn nhất lớp
Không còn cha mẹ, Kiều Anh sống hoàn toàn nương tựa vào bà nội Nguyễn Thị Sửu. Có những lúc, em tưởng như ngoài bà, thế giới này chẳng còn ai thèm nhìn nhận đến mình.
Thế nhưng, nhờ sự giúp đỡ của nhà trường, trải qua nhiều đợt xét nghiệm, được cấp giấy chứng nhận âm tính với HIV của bệnh viện cấp tỉnh, cấp huyện, Kiều Anh dần được mọi người hiểu và thông cảm hơn. Đến năm học cấp 2, em thoát hẳn khỏi thái độ kì thị của mọi người và dần hòa đồng với bạn bè cùng trường.
Những nỗ lực của em, nói ra nghe thì không quá khó khăn. Thế nhưng, hành trình để một đứa trẻ mồ côi cha, mẹ vì căn bệnh thế kỉ, bị xã hội quay lưng lại như Kiều Anh có thể không mất đi niềm tin vào cuộc sống, luôn chăm ngoan, học giỏi… thực sự đong đầy không biết bao nhiêu nước mắt.
Các thầy cô trong trường nói em có năng khiếu học văn rất tốt. Những bài viết của em, từng câu, từng chữ đều rất sâu sắc, chẳng hề giống với văn phong của một học sinh non nớt.
Kiều Anh tâm sự, trước lúc lâm chung, mẹ có một nguyện ước đơn giản là mong em hãy kiên cường, sống một cách đàng hoàng. Nhờ vào di nguyện ấy, hơn 10 năm qua, cô bé rắn rỏi này luôn phấn đấu từng ngày. Năm học nào em cũng nhận giấy khen học sinh giỏi. Trong cuộc thi viết thư gửi mẹ vừa qua, em tự hào khi giành giải nhất với điểm số tuyệt đối.
Bao năm qua, tình yêu vô bờ của bà là điểm tựa quan trọng của Kiều Anh. Thế nhưng, cô bé chẳng bao giờ có món quà nào đền đáp cho bà ngoài thành tích học tập. Với em, ngần ấy thực sự là chưa đủ. Em muốn nói lời cảm ơn bà, muốn mua một bộ quần áo đẹp tặng bà mà vì ngượng ngùng, vì khả năng tài chính eo hẹp nên vẫn chưa làm nổi.
Kiều Anh cũng muốn nhắn gửi đến tất cả những ai đang có cha, mẹ kề bên, hãy yêu thương trân trọng những gì mình đang có. Bởi đối với em, chỉ riêng tiếng gọi cha mẹ giờ đây đã xa vời. Em cũng muốn khuyên những ai có hoàn cảnh khó khăn như em, hãy cứ kiên cường, nỗi đau rồi cũng sẽ qua đi và chỉ cần cố gắng, chúng ta sẽ có tương lai và hành trình ấy, chúng ta sẽ không bao giờ đơn độc!