Tôi phò sự sống

precious_feet

Thứ Bẩy ngày 22 tháng giêng năm nay là ngày tưởng niệm 44 năm Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hợp thức hóa phá thai. Lúc ấy người đứng đơn là một phụ nữ 21 tuổi tên Norma McCorvey, thuộc tiểu bang Texas. Norma đã thắng kiện sau khi xin Tòa phán quyết luật cấm phá thai của tiểu bang Texas là vi hiến. Hậu qủa vô cùng tai hại của phán quyết này là gần 53 triệu thai nhi tại Hoa Kỳ đã bị giết tức tưởi trong lòng mẹ trong vòng 38 năm qua (từ năm 1973 đến năm 2011). Nếu tính thêm số bào thai bị giết hại từ 2011 đến nay 2017, thì con số đã hơn số dân của Nam Hàn (50 triệu) rất nhiều.

Thứ Bẩy vừa qua, trên một khúc ngắn của đại lộ Kamehameha (con đường chính của Hilo) tôi đã cùng một nhóm bạn thuộc giáo xứ St. Joseph hợp lòng với vạn người trên toàn nước Mỹ dương biểu ngữ chống hành động giết người hợp pháp nhưng cực kỳ phi nhân này. Dù bị chửi, bị rủa, bị nhổ nước miếng cũng như bị giơ vào mặt những cử chỉ tục tiũ khiếm nhã, chúng tôi không sờn lòng. Chúng tôi tiếp tục cất lên tiếng kêu thay cho những tiếng khóc than thống thiết của những học sinh, nông dân, ngư phủ, thợ thuyền, tu sĩ, nhà thơ, nghệ sĩ, nội trợ, người cha, người mẹ và đủ các thành phần khác trong xã hội, những người đã không bao giờ có cơ hội thấy mặt trời vì sự sống đã bị cướp đi khi chỉ là một bào thai.

Hành động tiêu cực của tôi hôm qua là một lời tạ lỗi tuy muộn, nhưng đầy ăn năn của tôi đối với một đứa cháu gái tôi không bao giờ thấy mặt. Nhớ lại sáng hôm đó, một người bạn đã nhờ tôi đi lấy dùm ly nước “mát”. Cả hai đều biết rõ ly nước này có chất lá gì trong đó. Cả hai đều biết công dụng độc hại của lá này, nếu dùng lúc mang thai. Cả hai đều biết hậu qủa nguy hiểm tột cùng của ly nước. Biết vậy mà tôi chỉ nói vài lời ngăn cản yếu ớt, vì sợ bạn giận, vì sợ bạn la. Với bản tính ngại đương đầu, tôi đã nhắm mắt bỏ qua sau khi nghe những lời biện minh của bạn. Tôi ngoan ngoãn đi lấy ly nước, lẳng lặng đặt nó lên trên mặt bàn gần nơi bạn đang nằm rồi chào bạn, đi về, vì không muốn chứng kiến những gì xẩy ra sau đó. Đi hết những bậc thang, tôi mở cửa bước ra ngoài. Tôi đã thấy gì khi ngước lên nhìn bầu trời có nhiều mây trắng bay vần vũ trên không? Tôi thấy một đám mây vỏn vẹn bằng chu vi căn nhà của bạn, tụ lại thành hình một thiên thần tí hon với một cái đầu tròn tròn với mái tóc dợn sóng, đôi cánh bé xíu đính hai bên thân hình bụ bẫm. Không thể nhầm lẫn được! Đó là hình ảnh một đám mây hình dạng như một tiểu thiên thần mà người Mỹ gọi là Cherub Angel. Đám mây hình một thiên thần bé nhỏ đã bay lơ lửng trên đầu nhà bạn tôi từ bao giờ? Xúc động, không cầm được nước mắt, tôi nhủ thầm, “xin con tha lỗi cho cô!” rồi băng qua đường, mở vội cửa xe, đề máy, lái về nhà mà lương tâm bị dầy vò vì ân hận lẫn cắn rứt. Tôi trách mình ghê gớm. Vì sợ bạn giận, tôi đã hèn nhát làm theo lời bạn. Vì sợ bạn giận, tôi không chống việc làm của bạn cho tới cùng mà đã nhu nhược, bỏ cuộc qúa sớm. Tại sao tôi không mạnh dạn hơn, cứng rắn hơn, quyết liệt hơn? Tại sao tôi không đổ ly nước đó đi? Tại sao và tại sao?

Tới giờ này, khi ghi lại lời thú tội này, lòng tôi nặng chĩu u sầu. Tôi muốn khóc nhưng không khóc được. Hành động khiếp nhược của tôi đã khiến một hài nhi không có dịp sống! Tôi đã hèn nhát không ra tay cứu giúp một thai nhi bất lực đã không thể làm gì để tự bảo vệ trước một cuộc mổ xẻ bất thần, khi tim đang đập đã bị mũi thuốc hóa học đâm thẳng vào tim; khi thân xác bẻ bỏng đã bị kìm, kẹp, kéo, giây thòng lọng cũng như máy hút chỉa vào mà không có một chút thuốc mê, thuốc tê hay thuốc giảm đau. Trước khi lìa trần, dù đau đớn tột cùng thai nhi không khóc được thành tiếng, để hy vọng ra ai đó nghe được tiếng thét thất thanh vô cùng tuyệt vọng của mình!

Một ngưòi bạn làm cùng hãng đã tâm sự với tôi là bà đã từng một lần phá thai. Từ ngày đó cho tới nay, mấy chục năm sau, không ngày nào bà không nghĩ tới hành động tội lỗi của mình. Không ngày nào bà không nhớ đến đứa con mà bà đã không cho nó thấy ánh sánh mặt trời. Bà nói là sự đau khổ dằn vặt bà tăng gấp đôi, vì bà không rõ bào thai bà hủy là con trai hay con gái. Nếu biết là con gái, ít nhất bà không phải dõi mắt nhìn theo những đứa bé trai. Vì không biết là trai hay gái, bà không thể nào không ngắm cả trai lẫn gái. Mỗi khi thấy một đứa bé, bà nghĩ đến đứa con bà không bao giờ trông thấy mặt. Bà không bao giờ có hạnh phúc nhìn con khi con nằm ngủ trong tay; không bao giờ có dịp canh từng ngày để nhìn hai răng sữa nhú ra từ lợi mầu hồng của con; không bao giờ thấy con chập chững bước những bước đi đầu đời; không bao giờ được nghe con gọi “Mẹ ơi”; không bao giờ đưa con đến lớp mẫu giáo, dự lễ ra trường hay đám cưới của con. Bà nghĩ đến những đứa cháu ngoại bà không bao giờ có; những món qùa Giáng Sinh bà không bao giờ lựa chọn, gói và gởi đi; những giây phút ôm con, ôm cháu trong tay; những lời ru con, ru cháu đã chết lặng, đã bị tắt ngúm trước khi thành tiếng.

Không biết bao nhiêu triệu trang giấy đã âm thầm viết xuống từ nỗi thống khổ, cắn rứt của các người mẹ, người cha đã vì những toan tính nhất thời, vì những “lời khuyên của bác sĩ” mà đã quyết định hủy đi sự sống của chính con mình? Bao nhiêu triệu giọt nước mắt ứa ra trong câm lặng vì ăn năn hối lỗi? Bao nhiêu đêm mất ngủ vì ác mộng hoành hành?

Mấy năm gần đây tôi được thấy danh sách của những công ty, những tổ chức ủng hộ Planned Parenthood (PP), một trung tâm phá thai hàng đầu của nước Mỹ và toàn cầu. Điều khám phá này đã rọi vào tâm tôi một ưu tư rất lớn. Trong danh sách hơn 200 hãng ủng hộ Planned Parenthood, tôi đã dùng sản phẩm của 105 công ty, trong gần 42 năm qua mà không hay! Bây giờ biết rồi, tôi cắt giảm xuống còn 16 hãng mà vì lý do bất khả kháng, tôi không thể nào không xử dụng những sản phẩm của họ (Expedia, ExxonMobil, Microsoft, Verizon, AAA, Adobe, Amazon, CVS, Home Depot, Honda, MasterCard, Office Depot, State Farm, TARGET, Wal-Mart, Walgreens). Tôi chống phá thai mà vẫn cứ phải mua bán với những công ty ủng hộ phá thai là gián tiếp đồng lõa với Planned Parenthood còn gì!

Trở lại việc Tối Cao Pháp Viện hợp thức hóa việc phá thai. Năm 2003, bà Norma McCorvey, người đứng đơn xin Tòa hợp thức hóa việc phá thai đã nộp đơn xin xét lại phán quyết năm 1973. Trong bài nhận định “Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ‘Roe v. Wade’ cho phép phá thai có thể bị đảo ngược,” luật sư Phạm văn Phổ cho biết “bà McCorvey đã yêu cầu xét lại phán quyết năm kia vì, theo bà, phán quyết đó đã lỗi thời, trái với luật lệ và các bằng chứng về y khoa hiện thời.” Luật sư Phổ còn thêm là “bà McCorvey đã chuyển hướng để gia nhập phong trào Phò Sự Sống (March for Life) từ 10 năm nay cho biết bà không muốn gánh nặng của các hài nhi vô tội mãi mãi đè nặng trên đôi vai của bà và tỏ ý hối hận đã làm nguyên đơn trong vụ án tệ hại trên.” [1]

Gần hai năm nay, từ ngày dọn sang Big Island này, gia đình nhỏ của tôi ở trên một con đường làng. Những tiếng kêu của gà ngỗng, dê cừu, chim chóc, côn trùng, heo bò, ễnh ương hay ếch ngóe là những tiếng thường xuyên nghe được nơi vùng đồng quê thanh vắng. Vừa rồi có tiếng heo rừng lọt bẫy kêu thảm thiết ở phía ruộng gừng xa xa. Lòng tôi xốn xang vì không làm gì được cho con vật đáng thương vừa mới rơi vào bẫy. Tự dưng tôi có ý tưởng này: Nếu các bác sĩ, y tá, người mẹ đóng vai đao phủ thủ nghe được tiếng thét đau đớn, uất ức của thai nhi thì hành động giết những hài nhi vô tội đã chấm dứt từ lâu.

Khổng thị Thanh-Hương

Nguồn: sangtao.org

Check Also

Thông điệp Giáng Sinh là bảo vệ sự sống

Sự kiện Chúa Giáng Sinh mang thông điệp bảo vệ sự sống. Chúa Giêsu xuống …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.