II. KHÔNG CÓ SỰ BIỆN HỘ CHO TỘI
9. Có những lý lẽ nào về kinh tế xã hội học, sinh thái học, y học hay đặc tính nhân đạo có thể biện hộ cho hành vi tránh thai?
Trong bất cứ quyết định nào của con người, chiều kích quan trọng nhất là tính luân lý, vì đây là nguồn mạch sâu xa nhất của hạnh phúc nhân loại và ơn cứu độ vĩnh cửu. Không thể có lý lẽ đúng đắn nào, để viện dẫn cho một hành động phi luân lý, bởi lẽ mục đích không bao giờ có thể biện minh cho phương tiện.
Hơn nữa, Đấng Tác Giả của luật luân lý cũng chính là Đấng Tạo Hóa toàn thể vũ trụ. Vì vậy, không thể có mâu thuẫn giữa sự thiện luân lý với bất cứ điều gì tốt thật cho con người. Nhiều viện dẫn về kinh tế xã hội, y khoa, tâm lý hay chủ nghĩa nhân đạo muốn biện hộ cho tránh thai, chứng tỏ mắc phải sai lầm khi đưa ra ý kiến trong lãnh vực này.
Sự “bùng nổ dân số” đã được giải thích thành một huyền thoại, qua cách nhìn của các nhà khoa học xã hội. Sự phát triển dân số không phải là nguyên nhân của nghèo đói, cũng không phải là chướng ngại vật cho phát triển kinh tế. Thế giới dành cho con người chứ không ngược lại. Con người là vốn quý để tăng trưởng và phát triển.
Có rất nhiều hậu quả y học chống chỉ định và tác dụng ngược,đến từ kế sách và thuốc tránh thai. Hơn nữa, khả năng sinh sản là dấu hiệu của sức khỏe. Nếu giới hạn sự sinh sản là một “chương trình sức khỏe”, thì tệ nạn trầm trọng nhất hiện nay ở phụ nữ độc thân là mang thai.
Sự mất cân bằng môi trường sinh thái không phải vì hậu quả trực tiếp của dân số,nhưng vì con người lạm dụng môi trường. Ta gọi là sử dụng chừng mực và điều độ tài nguyên thiên nhiên. Tôn trọng tự nhiên là chỉ dẫn đúng đắn nhất cho ta biết kính trọng chính khả năng đón nhận sự sống. Trong ý nghĩa đó, tránh thai là những hình thức tồi tệ nhất gây đầu độc và sa đọa.
Cuối cùng, khi có tình trạng khó khăn cần giải pháp nhân đạo, phải luôn tính đến tôn trọng phẩm giá con người trong chiều kích thật sự nhân bản. Ngược lại, kế hoạch tránh thai biến đổi người nam hay người nữ, trở thành thú vật, không thể làm chủ đời sống phái tính.
10. Cái gọi là “nguyên tắc toàn bộ” ít ra có thể biện hộ một số trường hợp áp dụng việc tránh thai ở đôi vợ chồng vẫn có thái độ tổng quát đón nhận con cái không?
Luật luân lý về “nguyên tắc toàn bộ” (ví dụ một bộ phận có thể thay thế để toàn bộ thân thể khỏe mạnh) được áp dụng cho một sự việc cụ thể và đồng nhất về chất, như thân thể con người. Luật này không thể áp dụng cho tính “đồng nhất trong lãnh vực luân lý”, cả tính đồng nhất trong môi trường gia đình hoặc xã hội. Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào chủ nghĩa luân lý tương đối, dẫn đến vi phạm luật của Chúa khi cho rằng “toàn bộ” thì tốt hơn, như đã xảy ra trong xã hội độc tài chuyên chế Đức Quốc Xã và lịch sử hình thành Liên Bang Xô viết.
11. Thế nào là “nguyên tắc điều ít xấu hơn”? Tránh thai có thể được chọn là điều ít xấu hơn không?
Cứu cánh không bao giờ có thể biện minh cho phương tiện. Người ta không thể hành động hay chủ ý muốn một điều xấu, cho dù nếu điều tốt có thể đến sau. Người ta có thể tha thứ, nhưng vẫn có thể không làm cả điều ít xấu. Để tha thứ, con người không làm điều xấu xa, họ thà làm điều gì khác mang bản chất tốt, và vẫn phải tiên liệu được những hậu quả xấu gián tiếp.
12. Ta có thể “giúp Thiên Chúa hay Tự Nhiên” bằng ứng dụng công nghệ mới để đạt mục tiêu điều khiển sinh sản không?
Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng những khả năng được ban tặng trong việc tìm biết chương trình của Ngài. Nhưng tránh thai đích xác là đi ngược ý định mà Chúa đã ghi khắc trong hành vi phối ngẫu của muôn vật. Bằng việc tránh thai, chúng ta không giúp tự nhiên; chúng ta cản trở, phá ngang hay làm hư hỏng tự nhiên.
13. Có điều gì sai lầm khi đi ngược lại tự nhiên? Ta có thể làm một số điều “ngược tự nhiên” mà không hẳn phi luân lý hay phạm tội trầm trọng, như thể đi bằng đôi tay và đứng được bằng đầu không? Tại sao đi ngược lại tự nhiên trong hành động phối ngẫu sẽ trở nên điều tệ hại?
Sự vi phạm luật tự nhiên trong tránh thai là một vấn đề rất nghiêm trọng vì liên hệ đến những giá trị lớn lao của phái tính, sự sống, và sự cộng tác con người với Thiên Chúa. Giáo Hội không dạy tình dục là xấu. Trái lại, tình dục là điều rất tốt, vì qua nó Thiên Chúa ban cho con người được cộng tác sáng tạo nên sự sống mới.
Việc sử dụng đúng đắn tình dục trong hôn nhân là xứng đáng và đẹp lòng Chúa. Trong ý nghĩa này, tình dục là thiêng liêng. Sự lạm dụng hoặc dùng sai tình dục như một quyền, gây hỗn loạn đạo đức nghiêm trọng. Đó là sự sỉ nhục đối với sự sống và quyền tạo hóa của Thiên Chúa.
Khi bằng việc tránh thai, các đôi vợ chồng nắm lấy khả năng sáng tạo tiềm tàng từ hành vi phối ngẫu tình dục, họ đã đòi hỏi một quyền chỉ dành riêng cho Thiên Chúa, quyền quyết định trong phán xét chung cuộc về sự hiện hữu của con người. Họ chiếm lấy tư cách là kẻ nắm giữ nguồn gốc sự sống con người, chứ không là kẻ cộng sự với quyền sáng tạo của Thiên Chúa. Trong viễn cảnh này, tránh thai được phán xét cách khách quan, là bất chính sâu sắc không thể biện minh, dù với bất cứ lý do nào. Suy nghĩ hay phát biểu ngược lại, là đồng nghĩa với thái độ xác nhận rằng hoàn cảnh sống của con người có thể giúp họ được hợp lệ, từ đó phủ nhận Thiên Chúa là Chúa (x. Gioan Phaolô II, Hội nghị về Trách nhiệm của bậc Cha Mẹ, 17.9.1983).
14. Nhưng chúng ta đang sống trong một xã hội đa nguyên. Nhiều người thành thật tin tránh thai không phi luân lý. Có thể thừa nhận một chương trình tránh thai để mỗi người tự chọn lấy phương pháp mà lương tâm họ cho phép không?
Quan điểm của Giáo Hội đối với tránh thai được đặt nền tảng trên luật tự nhiên. Theo đúng nghĩa này, nó được áp dụng cho mọi người nam và mọi người nữ trong mọi thời đại. Nói cách khác, tránh thai là phi luân lý (một cách khách quan), ngay cả đối với những ai không nhận thức được, giống như bất cứ giáo huấn nào khác đặt nền tảng trên luật tự nhiên, thí dụ sự phi luân lý của tội giết người hay tội trộm cắp.
Dù trong trường hợp phải chiếu cố đến tầng lớp người dốt kém khó thay đổi, cũng không thể biện minh cho một chương trình tránh thai tài trợ bởi nhà nước, trong một dân tộc mà 90% dân số tự nhận có niềm tin tôn giáo, dạy rằng tránh thai gây nên đồi bại (khoảng 80% là Kitô Giáo và 10% là Hồi Giáo).
Chương trình dân số hiện hành của chính phủ Philippines đặt trọng tâm vào tránh thai, đang xúc phạm đến sự nhạy cảm văn hóa và những giá trị tôn giáo tại Philippines. Ngay cả việc giới thiệu rất hạn chế về “kế hoạch hóa gia đình theo tự nhiên” cũng được hiểu như một phương cách khác để tránh thai, trong khi phải xem nó là một lối sống thanh tịnh và yêu thương.
15. Chiến dịch tuyên truyền tránh thai có chống lại được tệ nạn phá thai đang lan tràn không? Phải chăng khi có “nhiều phụ nữ tránh thai” thì sẽ có “ít phụ nữ phá thai”?
Khi chấp nhận sự thật rằng phá thai là tội trầm trọng hơn tránh thai, thì cả hai hành vi này đều sai và chứng tỏ đều không tốt đẹp. Hơn nữa, ta đã chứng minh được rằng sự phổ biến thực hành tránh thai làm tăng, thay vì giảm thiểu ảnh hưởng của phá thai. Đó là bởi sự tiện lợi của tránh thai giúp dễ dàng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.
16. Nhưng nếu gia đình họ có hoàn cảnh thực sự khó khăn, thực sự không thể có thêm con nữa? Thiên Chúa có thể ác nghiệt, vẫn cấm tránh thai không?
Nếu đôi bạn ở trong hoàn cảnh khó khăn nghiêm trọng, có những phương cách khác để không thụ thai (không phải là tránh thai) mà không phi luân lý và giữ gìn được phẩm giá con người, đó là tiết dục theo chu kỳ tuần hoàn tự nhiên. Bằng thái độ tôn trọng sự tiến triển tự nhiên của cơ thể con người, tiết dục theo chu kỳ tự nhiên “dẫn đến khám phá vẻ đẹp của cơ thể mà Thiên Chúa sáng tạo, khám phá sự tôn trọng xứng hợp, và đạt kinh nghiệm trưởng thành trong tình yêu chân chính giữa hai vợ chồng” (Hội nghị các Giám Mục Philippines, Tình yêu và Sự sống). Hơn nữa, với cách nhìn Kitô Giáo, chúng ta có thể đoan chắc rằng: “không thể có mâu thuẫn thực sự nào giữa luật của Thiên Chúa về truyền sinh với nhu cầu nuôi dưỡng tình yêu chân chính trong hôn nhân” (FC. 33).
Phải kể đến “tính thể xác” và những thời kỳ có thể thụ thai. Cần phải làm tất cả những gì có thể làm được để mọi gia đình, nhất là các vợ chồng trẻ đạt được một sự hiểu biết, nhờ thông tin và giáo dục rõ ràng, kịp thời và nghiêm chỉnh… Sự hiểu biết đó phải đưa đến mức giáo dục để biết kiềm chế. Nhất là sự cần thiết phải có đức khiết tịnh và một sự giáo dục thường xuyên theo hướng ấy… Đức khiết tịnh không phủ nhận hay miệt thị tính dục con người, nhưng đúng hơn nó là một năng lực tinh thần biết bảo vệ tình yêu khỏi những nguy hiểm của sự ích kỷ và của tính bạo động, và đưa tình yêu đến mức thể hiện trọn vẹn…
Việc dùng lý trí và ý chí tự do để làm chủ bản năng tất nhiên đòi phải có một sự khổ chế, vì chỉ những biểu lộ tình yêu trong đời sống vợ chồng mới có thể được điều hòa trong khuôn khổ, nhất là trong việc giữ sự tiết dục theo chu kỳ tự nhiên. Kỷ luật riêng này của sự thanh khiết đôi bạn, không làm hại gì cho tình yêu vợ chồng, mà còn đem lại cho tình yêu ấy một giá trị nhân bản rất cao.
Kỷ luật này đòi hỏi luôn cố gắng, nhưng nhờ ảnh hưởng tốt đẹp của nó, vợ chồng phát triển được toàn vẹn nhân cách của mình, giàu có thêm các giá trị tinh thần, đem lại cho đời sống gia đình hoa quả trong sáng và bình an, giúp giải quyết nhiều vấn đề khác, giúp quan tâm đến bạn mình, ý thức trách nhiệm, tránh được tính ích kỷ là kẻ thù của tình yêu. Nhờ đó, cha mẹ có khả năng ảnh hưởng sâu xa và hữu hiệu hơn trong việc giáo dục con cái (Trích FC 33).
(còn tiếp)
Nguyên tác: Catechesis on Contraception
Tác giả : Roberto Latorre
Chuyển ngữ: Nguyễn Quốc Đoạt
Nguồn: catechesis.net