Bạn bán Đức Giêsu với giá bao nhiêu?

Giuda-ban-Chua

BVSSHN (23.3.2016) – Trong hành trình thương khó của Đức Giêsu, Giuđa Iscariôt là một cái tên khá nổi bật. Một nhân vật được cho là người đã mở đầu cho biến cố Vượt qua của Đức Giêsu bằng một nụ hôn phản bội – nụ hôn Giuđa – để rồi đến ngàn năm sau, tên của người đàn ông ấy vẫn được hậu thế nhắc lại hàng năm trong những bài đọc về sự thương khó của Đức Kitô.

Số tiền anh ta bán Đức Giêsu cũng không nhiều lắm – 30 đồng vàng -, nếu tính ra giá trị của ngày hôm nay chắc cũng khoảng 10 – 20 cây vàng. Giá trị khoảng cỡ đó, vì sau khi Giuđa tự tử, người ta đã lấy tiền đó mua được một mảnh đất nhỏ để chôn cất anh ta.

10 – 20 cây vàng để bán Đức Giêsu, cái giá của Giuđa đã rao và được những người ghét Đức Giêsu lúc đó thỏa thuận. Để rồi mãi mãi anh ta bị ném đá vì đã phản bội lại Đức Giêsu, đã phản bội lại người Thầy tôn kính của mình, người mà anh ta và Nhóm 12 đã tự nguyện đi theo, đã cùng sống, cùng ăn, cùng sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống. Một cái giá quá rẻ cho một mạng người.

Còn bạn, bạn có bán Đức Giêsu không? Và bạn bán Đức Giêsu với giá bao nhiêu? Rẻ hơn hay đắt hơn giá của Giuđa đã bán?

Có thể bạn sẽ nói rằng tôi chẳng bao giờ bán Đức Giêsu cả, dù với bất cứ giá nào chứ đừng nói là rẻ hay đắt hơn giá của Giuđa.

Vâng, bạn sẽ khẳng định chắc như đinh đóng cột như vậy, nhưng xin bạn vui lòng đọc những câu truyện sau đây và định giá giúp tôi xem họ đã bán Đức Giêsu với giá bao nhiêu bạn nhé.

Một gia đình Công giáo, vợ là đạo gốc, chồng là đạo theo. Trong mọi chuyện hàng ngày, hai vợ chồng luôn nói đến Thiên Chúa, nói đến Đức Giêsu với tất cả sự nhiệt thành, với niềm tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Cả hai vợ chồng sống rất tốt, được lòng của tất cả mọi người từ hàng xóm đến lãnh đạo của cơ quan hai vợ chồng đang công tác.

Một ngày kia, thủ trưởng cơ quan của chồng rỉ tai nói nhỏ: “Này, cậu đang được ngắm nghía để đưa vào danh sách cán bộ nguồn đấy, cái ghế trưởng phòng “thơm tho” kia có khả năng là của cậu đó, có điều nếu cậu không được kết nạp thì không thể nào được ngồi vào ghế đó đâu, đó là nguyên tắc. Mà cậu muốn kết nạp thì ở dòng tôn giáo trong lý lịch phải là không thì mới được”.

Chồng về chia sẻ lại với vợ, sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, cả hai vợ chồng thống nhất “theo đạo cốt ở tâm của mình, chứ cái lý lịch thì có gì đâu mà băn khoăn”. Vậy là từ đó, trong lí lịch của vợ chồng con cái, từ KHÔNG luôn hiện diện ở mục tôn giáo.

Người chồng được kết nạp, trở thành trưởng phòng của một Cơ quan quản lý & chăm sóc sức khỏe con người. Đứa con gái vốn là sinh viên giỏi, cùng với chữ “không” đó đã được kết nạp ngay từ lúc ngồi trên ghế giảng đường đại học. Ra trường, xin vào ngành ngân hàng, sau vài ba năm được đề bạt thành trưởng một bộ phận quan trọng.

Cuộc sống toàn gia đình thay đổi rõ rệt, kinh tế khá lên thấy rõ, xây nhà, sắm xe v.v…. Cả nhà vẫn đều đặn đi lễ nhà thờ, đều đặn tham gia các hoạt động của giáo xứ và vẫn để chữ KHÔNG trong mục tôn giáo ở bất kỳ lần khai lý lịch nào. Đơn giản chỉ vì “theo đạo cốt ở tâm”.

Chuyện về một cô gái khác, cô bé ấy được học giáo lý đầy đủ từ lớp khai tâm cho đến lớp bao đồng, cũng từng là huynh trưởng thiếu nhi Thánh Thể. Rời gia đình, cô gái ấy lên thành phố sống đời sinh viên. Cuộc sống xa nhà và những thay đổi của môi trường sống đã đem đến cho cô bé đấy bao điều mới lạ. Một trong những điều mới lạ đó chính là việc sinh viên “sống thử” trước khi kết hôn.

Nhưng chuyện đởi chẳng ai học được chữ ngờ, trong lúc sống thử như vậy, cô bé ấy có thai. Biết tin, chàng trai tác giả ra điều kiện: phá thai để gia đình tổ chức đám cưới, vì gia đình không thể chấp nhận một cô dâu ăn cơm trước kẻng.

Đắn đo, trăn trở, dằn vặt, rồi cuối cùng cô bé đã chấp nhận phá cái thai 7 tuần tuổi trong bụng mình để đổi lấy một đám cưới đình đám, làm rạng rỡ mẹ cha khi con mình lấy được thiếu gia thành phố.
Một ông chủ doanh nghiệp khác, cũng là dân Công giáo, mở một công ty kinh doanh các mặt hàng cần thiết cho cuộc sống. Sau ngày khai trương hoành tráng, là những ngày dài ế ẩm, thu không đủ bù chi. Lương nhân viên vừa thấp vừa bị nợ lương tháng này qua tháng khác.

Một trợ lý của ông chủ đó – sau một thời gian nghiên cứu, ngắm nghía – phát hiện ra công ty làm ăn ế ẩm vì thiếu bàn thờ …. Ông thần tài. Ý kiến đề xuất cho nhân viên công ty lập một bàn thờ thần tài ở phòng khách của công ty.

Suy đi nghĩ lại, ừ cũng có lý, mấy đứa nhân viên nó lập mà, mình có lập đâu. Bạn chủ doanh nghiệp đồng ý. Một bàn thờ Thần tài được lập ở phòng khách của công ty.

Ngày khai trương, trong vai trò là xếp của công ty, bạn ấy phải thắp nhang, xì xụp khấn vái ông Thần tài cho công ty ăn nên làm ra, phải lạy 3 lạy làm mẫu để các nhân việc khác trong công ty noi gương nối đuôi nhau mà vái lạy.

Trong số các nhân viên đó, không ít bạn cũng là người Công giáo?!

Và còn nhiều chuyện khác nữa giống như thế.

Trong những câu truyện như vậy, họ có bán Đức Giêsu không nhỉ? Đức Giêsu được hai vợ chồng viên chức đó bán với giá “ghế trưởng phòng” phải không bạn? Còn với cô bé sinh viên, thì giá của Đức Giêsu bằng với “đám cưới làm rạng rỡ cha mẹ” là bao nhiêu bạn nhỉ? Và với bạn trẻ – chủ doanh nghiệp – thì giá của Đức Giêsu chắc có cao hơn một chút, đó là tiền lời kiếm được trong việc kinh doanh mà Thần tài mang đến cho khoảng thời gian từ đó về sau.

Phần tôi, cũng nhiều lần tôi đã bán Đức Giêsu với những giá cực kỳ rẻ mạt. Tôi bán Đức Giêsu để đổi lấy số tiền lời trên một kg thịt heo nhiều hơn khi tôi cho heo ăn thuốc tăng trọng. Tôi bán Đức Giêsu để đổi lấy những số tiền tăng thêm khi tôi phun thuốc làm cho hoa quả tươi hơn, giữ được lâu hơn mà không héo… Rất rất nhiều lần tôi đã bán Đức Giêsu như thế, không được tới giá 30 đồng vàng như của Giuđa.

Còn bạn, bạn đã từng bán Đức Giêsu được giá không?

Jos Phú Thi – VRNs

Check Also

Cô gái địu con 10 ngày tuổi khi tham dự lễ tốt nghiệp đại học

Một người phụ nữ ở Michigan không chỉ mặc lễ phục tốt nghiệp để nhận …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.