CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS (2)

EMMAUS (29.05.2013)

Câu 10: Làm thế nào để biết được người nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS khi chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV?

Người nhiễm HIV được coi là chuyển sang giai đoạn AIDS khi ở người đó xuất hiện ít nhất hai triệu chứng chính và ít nhất một triệu chứng phụ trong các nhóm triệu chứng lâm sàng sau:

(1)  Nhóm các triệu chứng chính:

  • Sụt cân trên 10% trọng lượng cơ thể;
  • Tiêu chảy kéo dài trên một tháng;
  • Sốt kéo dài trên một tháng.

(2)  Nhóm các triệu chứng phụ:

  • ho dai dẳng kéo dài trên một tháng;
  • nhiễm nấm Candina ở hầu (họng);
  • ban đỏ, ngứa da toàn thân;
  • Herpes (mụn rộp), Zona (giới leo) tái phát;
  • Nổi hạch ở nhiều nơi trên cơ thể, nhất là ở nách, bẹn, cổ…

Câu 11: Khi khám bệnh, có nên thông báo tình trạng nhiễm HIV với cán bộ Y tế không?

Có, để được chăm sóc và điều trị một cách tốt nhất, các cán bộ y tế cần biết về tình trạng nhiễm HIV của bệnh nhân. Sẽ là vi phạm pháp luật nếu các cán bộ y tế từ chối chăm sóc và điều trị cho người bệnh vì lý do người đó bị nhiễm HIV.

Theo luật Phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam, các cán bộ y tế có trách nhiệm giữ bí mật tình trạng nhiễm HIV dương tính của bênh nhân.

Câu 12: Có nên thông báo kết quả nhiễm HIV cho vợ (chồng), bạn tình hoặc người thân trong gia đình biết không?

Khi nhận kết quả HIV dương tính, bạn sẽ rất khó khăn để quyết định nói cho ai và nói như thế nào. Cần xác định rằng: Nếu bạn bị nhiễm HIV, bạn không có quyền để HIV lây lan từ mình sang bất kỳ người khác (dù là vợ, chồng hay ai đó). Còn quyết định thông báo kết quả hay không tùy thuộc vào tính cách, tình cảm, sự cảm thông, hiểu biết… của người kia.

Tuy nhiên, thông báo kết quả về tình trạng nhiễm HIV sẽ tốt đối với bạn vì những lý do sau đây:

  • Bạn sẽ nhận được sự yêu thương và hỗ trợ từ phía những người trong gia đình, họ sẽ giúp giải quyết các vấn đề về sức khỏe của bạn;
  • Bạn sẽ được chăm sóc một cách phù hợp hơn;
  • Bạn sẽ giảm được nguy cơ lây truyền HIV sang người khác.

Bạn không cần phải thông báo cho tất cả mọi người và hãy lựa chọn thời điểm thích hợp để thông báo.

Câu 13: Những cơ sở nào được phép bán thuốc kháng HIV?

Theo quy định tại Nghị định 108/2007/NĐ-CP, các cơ sở bán buôn thuốc, bán lẻ thuốc được quyền cung ứng thuốc kháng HIV đã được cấp sổ đăng ký lưu hành. Các cơ sở bán lẻ thuốc chỉ được bán thuốc kháng HIV đã được cấp sổ đăng ký lưu hành cho người nhiễm HIV, người bị phơi nhiễm HIV theo đơn của bác sĩ điều trị được phép kê đơn thuốc kháng HIV.

Câu 14: Có phải tất cả bác sĩ đều được kê đơn thuốc kháng HIV hay không?

Không đúng. Nghị định số 108/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết một số điều Luật phòng, chống HIV/AIDS đã quy định rõ: “ chỉ các bác sĩ đã qua đào tạo, tập huấn về điều trị HIV/AIDS theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế mới được phép kê đơn thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV, người bị phơi nhiễm với HIV”.

Câu 15: Người nhiễm HIV có bảo hiểm y tế hay không?

Theo quy định tại điều 40 của Luật phòng, chống HIV/AIDS về bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV, người đang tham gia bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV được Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Bộ Y tế quy định danh mục thuốc kháng HIV do bảo hiểm y tế chi trả.

Câu 16: Ai được cấp miễn phí thuốc kháng HIV?

Chỉ những người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do rủi ro tai nạn nghề nghiệp, rủi ro kỹ thuật y tế, phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, trẻ dưới 6 tháng tuổi nhiễm HIV được cấp miễn phí thuốc kháng HIV. Ngoài ra, thuốc kháng HIV do ngân sách nhà nước chi trả, do tổ chức cá nhân trong hoặc ngoài nước tài trợ cấp miễn phí cho người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS theo thứ tự ưu tiên:

  • Trẻ em đủ 6 đến dưới 16 tuổi;
  • Người nhiễm HIV tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS;
  • Người nhiễm HIV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những người khác nhiễm HIV.

Câu 17: Khi chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/AIDS hoặc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (trẻ OVC) cần quan tâm hỗ trợ cho trẻ những vấn đề gì?

Thực trạng tình hình trẻ OVC hiện nay có nhiều vấn đề đáng quan tâm. Khi chăm sóc trẻ OVC cần chú ý:

  • Giúp cho trẻ có nơi ở an toàn, có quần áo mặc, có nước sạch, có điều kiện vệ sinh cơ bản, có ít nhất một người lớn yêu thương và chăm sóc;
  • Hỗ trợ cho trẻ có đủ thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng và phát triển như những trẻ em bình thường khác;
  • Hỗ trợ cho trẻ được đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản theo lứa tuổi, tiêm chủng, chăm sóc và chữa bệnh khi ốm đau, xét nghiệm, dự phòng và điều trị HIV;
  • Giúp cho trẻ không bị kỳ thị, phân biệt đối xử, không bị bỏ bê, không bị bóc lột, lạm dụng; được đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em và được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản có liên quan tới HIV/AIDS;
  • Tạo điều kiện cho trẻ có được các mối quan hệ và tương tác với gia đình và xã hội để phát triển bình thường; được hỗ trợ về tâm lý để vượt qua những sang chấn tinh thần do AIDS;
  • Huy động các lực lượng xã hội hỗ trợ, bảo vệ quyền được học tập của trẻ; giúp cho trẻ được đến trường học tập giống như các trẻ cùng lứa tuổi;
  • Hỗ trợ cho trẻ và gia đình có thêm điều kiện về kinh tế, có khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của trẻ.

Câu 18: Người nhiễm HIV sinh hoạt cùng với gia đình cần làm gì để tránh lây lan?

Trước hết, người bệnh và những người trong gia đình cần hiểu rõ các đường lây của HIV để tránh các nguy cơ lây nhiễm. HIV không dễ lây lan, không lây lan qua các sinh hoạt hàng ngày, sử dụng chung các loại đồ dùng ăn uống (chén, ly, muỗng, đũa…), thau, chậu tắm giặt… vẫn dùng chung được với người không bệnh.

Trong sinh hoạt, cần dùng riêng các dụng cụ xuyên, chích qua da có thể dây dính máu như: kim, ống tiêm, chính, kim châm cứu, dao cạo mặt, dao lam, bàn trải răng, cái nạo lưỡi, đồ làm móng tay…

Nếu có quan hệ tình dục, luôn luôn phải dùng bao cao su.

Các loại rác có máu như: giấy, bông gòn, băng, gạc, kim chích, ống chích… cần cho vào 2 lớp nylon cột chặt lại trước khi bỏ vào thùng rác. Khi máu, mủ rơi vãi ra ngoài, dùng giấy, vải loạt dễ hút nước lau sạch, rồi lau sát trùng lại bằng nước Javel hoặc cồn (alcool).

Để an toàn, những nguyên tắc khi tiếp xúc với vết thương, máu dịch của người nhiễm HIV cần sử dụng găng tay, tránh để dịch, máu bắn vào mắt, phần da hở có tổn thương cần được bảo vệ.
Anna Nguyễn Thị Quỳnh Nga (sưu tầm & biên soạn)

Check Also

HIV, AIDS, HIV/AIDS, Emmaus Ha Noi, Emmaus Hà Nội, Emau, Emmau

Xét nghiệm là bước đầu tiên kiểm soát HIV/AIDS

Emmaus (13/07/2016) Chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra Hội nghị Quốc tế về AIDS …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.