Với kỹ thuật can thiệp bào thai (đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp, sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng), hàng trăm thai nhi được cứu từ trong bụng mẹ. Nhiều trẻ chào đời khỏe mạnh, phát triển bình thường mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho cha mẹ.

Truyền ối cứu thai nhi

Mang thai ở tuần thai thứ 24, sản phụ 26 tuổi ở Hà Nam bất ngờ bị chẩn đoán cạn ối, nguy cơ phải đình chỉ thai. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thai phụ đã trong tình trạng hết sạch ối, em bé không cử động được chân tay. Sau khi đánh giá, bác sĩ Nguyễn Thị Sim, phụ trách Đơn vị Can thiệp bào thai, nhận định đây là hậu quả của thiểu ối. Ngay lập tức, thai phụ được chỉ định truyền ối. “Ngay khi nước ối vừa vào buồng tử cung, chân tay em bé liền co duỗi, đầu lắc lư, há miệng uống nước chùn chụt. Nhìn hình ảnh thay đổi gần như từ cõi chết trở về của con, người mẹ bật khóc. Cô ấy nói vợ chồng họ đã hết niềm tin rồi, nay thấy con tiếp tục sống, không có gì hạnh phúc hơn” – bác sĩ Sim kể.

Trong khi đó, vợ chồng chị N.T.H (Yên Bái) mất 8 năm chữa hiếm muộn với 3 lần thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung, 2 lần thụ tinh trong ống nghiệm nhưng đều thất bại. Cách đây 2 năm, chị H. may mắn có thai nhưng chưa kịp vui mừng thì đến tuần 21, chị bị cạn ối, nguy cơ thai chết lưu do thiểu ối. Các bác sĩ ở bệnh viện địa phương chỉ định đình chỉ thai nghén bởi không thể can thiệp được gì. Được người quen giới thiệu, vợ chồng chị H. bắt xe đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với hy vọng mong manh. Sau khi thăm khám, các bác sĩ quyết định giữ lại thai nhi bằng kỹ thuật truyền ối. Khi thai được 35 tuần, chị H. chuyển dạ, hạ sinh bé gái nặng 2,2 kg, khỏe mạnh.

Cũng được can thiệp bào thai để điều trị hội chứng truyền máu song thai khi mang song thai được 23 tuần tuổi, đến nay, vợ chồng chị N.H.T (quê Nghệ An) đón cặp song sinh chào đời khỏe mạnh với cân nặng lần lượt là 2,3 kg và 2,7 kg. Trước đó, thai phụ được chẩn đoán mắc hội chứng truyền máu song thai độ 3. Bác sĩ tại Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An tư vấn cho chị và gia đình phương pháp duy nhất để có thể cứu sống thai nhi là can thiệp bào thai. Với sự hỗ trợ của các bác sĩ Đơn vị Can thiệp bào thai của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ca phẫu thuật được thực hiện thành công.

Theo bác sĩ Sim, hội chứng truyền máu song thai có thể khiến cho một thai nhận quá nhiều máu trong khi thai còn lại thì ít hơn bình thường. Nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời, một trong 2 thai sẽ không thể phát triển tiếp. Trước năm 2018, tại Việt Nam không có cơ sở nào có thể xử lý được hội chứng truyền máu song thai. Hậu quả của hội chứng này rất nặng nề: 90% 1-2 thai tử vong, nếu 1 thai giữ được thì em bé cũng bị tổn thương não.

“Những năm gần đây, kỹ thuật can thiệp bào thai đã giúp xoay chuyển tình thế cho nhiều thai phụ. Với kỹ thuật truyền ối cho thai nhi, có những thai phụ bị thiểu ối chỉ cần truyền ối một lần nhưng có người phải truyền nhiều lần. Kỹ thuật này được chỉ định cho những sản phụ thiểu ối còn nguyên màng ối và tuổi thai từ 16-32 tuần” – bác sĩ Sim thông tin thêm.

Cứu sống, sửa chữa nhiều dị tật thai nhi

GS-TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết kỹ thuật can thiệp bào thai để “sửa chữa” thai nhi bị bệnh trong 3 năm qua đã mang đến hạnh phúc cho hàng trăm cặp vợ chồng tưởng chừng đã mất con hoặc sinh con ra bị dị tật. Hiện kết quả can thiệp bào thai rất hiệu quả. Kỹ thuật phẫu thuật nội soi buồng ối điều trị hội chứng truyền máu song thai đạt hiệu quả cao, tỉ lệ sống ít nhất 1 thai là 85%, tỉ lệ cả 2 trẻ còn sống là 53%. Riêng tỉ lệ thành công của kỹ thuật truyền ối thai nhi để kéo dài tuổi thai lên đến gần 76%, trẻ chào đời khỏe mạnh, phát triển bình thường.

“Mục tiêu của y học bào thai là chữa bệnh cho thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ. Bào thai trong bụng mẹ nếu có mắc các hội chứng như truyền máu song thai, dải xơ buồng ối, chậm tăng trưởng, song thai không tim, cạn ối, đa ối, thiếu máu… đều có nguy cơ thai bị dị tật hoặc chết lưu. Kỹ thuật can thiệp bào thai sẽ tăng cơ hội chữa bệnh, cứu sống các bé” – GS Ánh nói. 

Nguồn: Báo lao động.