Chúng ta được sinh ra cũng là một màu nhiệm

Thư gửi các chàng trai

Em trai thân mến!

Sau giờ tan lễ, em còn đứng bên hang đá rất lâu, chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng trong máng cỏ. Tôi dừng bước ngắm nhìn gương mặt trầm ngâm bừng sáng của em dưới ánh nến. Có phải lúc ấy em đang ca tụng vẻ đẹp của Thánh gia và cảm nhận sự ra đời của chú bé Giêsu ngày ấy là một huyền nhiệm? Chắc hẳn nhiều bạn trẻ khác đón chào Lễ Giáng Sinh khi đi ngang nhà thờ cũng đều biết về một Con – Người – Thánh được sinh ra chỉ bởi TÌNH YÊU, “được sinh ra mà không phải được tạo thành” như một phép nhiệm mầu?

136090716

Em ạ! Tất nhiên, chúng ta được sinh ra theo một cách khác, nhưng chắc em sẽ ngạc nhiên khi biết rằng chính sự có mặt của em, của tôi và của bất cứ con người nào trên đời này cũng là một mầu nhiệm. Trong tâm tình cảm tạ vì mình đã được sinh ra, mình gọi đó là mầu nhiệm của sự sống em nhé! Có lẽ vì vậy Thánh vịnh từng có lời rằng: “Tạ ơn Chúa đã tạo nên con cách lạ lùng/Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!” (Tv 138,14).

Em là một xác suất bí ẩn đầy may mắn giữa một trong gần nửa tỉ chú tinh trùng mà cha em tặng mẹ em chỉ trong một lần gặp gỡ với một trong số 400 – 500 trứng mà mẹ em có thể rụng trong suốt cuộc đời của bà. Phải trải qua một thời gian dài hơn 2 thế kỷ với biết bao sai lầm, nhân loại mới biết được sự gặp gỡ đơn giản mà kỳ diệu này. Tinh trùng là tế bào duy nhất của cơ thể người biết bơi, và di chuyển với một tốc độ đáng ngạc nhiên: 3mm/phút! Nó gồm đầu, cổ và đuôi. Đầu tròn nhỏ chỉ khoảng 5 micron, giữ vai trò chủ yếu, vì chứa nhân, tức là toàn bộ trí thông minh của tế bào, phần cực đầu có enzyme làm mỏng vỏ trứng. Phần cổ có các hạt ty lạp thể như loại pin năng lượng giúp tinh trùng di chuyển, vì thế tinh trùng của một số bệnh nhân và người cao tuổi chỉ có thể lơ lửng ở tử cung hoặc ngách lên của vòi trứng mà không thể đi đến cùng chặng đường tìm kiếm trứng (vì… hết pin!). Cái đuôi dài gấp 7 – 10 lần cái đầu, khoảng 50 micron giúp tinh trùng di chuyển.

Trứng nằm trong nang trứng (nang trứng trưởng thành có kích thước 19 – 26 mm) là tế bào lớn nhất cơ thể, đường kính 200 micron, chứa nhân tế bào và nhiều chất dinh dưỡng như một thứ của để dành cho đứa con ăn đường. Nhân của trứng chứa một nửa vốn liếng di truyền của người mẹ đang chờ đợi gặp gỡ nửa còn lại từ người cha để làm nên một tế bào mới là đứa con.

Người đầu tiên nhìn thấy cuộc gặp gỡ này là nhà sinh học người Pháp Gustave Adolphe Thuret (1817-1875). Ông quan sát thấy tế bào sinh dục đực lọt vào trong trứng ở những động vật biển năm 1854. Hai mươi năm sau, nhà phôi học người Đức Oskar Hertwig (1849-1922) thấy một tinh trùng duy nhất chui vào trứng ở loài nhím biển có thân hình trong suốt, sau đó, nhân của chúng hợp lại thành một nhân chung cho tế bào con, rồi một hàng rào chất hoá học bao quanh trứng ngăn cản những tinh trùng khác tiếp tục xâm nhập.

Ở người, sự thụ tinh diễn ra lãng mạn chẳng kém gì câu chuyện cổ tích em đã thuộc lòng thời thơ ấu “Người đẹp ngủ trong rừng”. Các hoàng tử tinh trùng đổ bộ vào vùng đầm lầy ẩm ướt âm đạo, đâu đâu cũng có axít khiến hàng triệu chàng chết gục ngay những bước đầu tiên trên chặng đường hành hương. Các chàng chỉ có 12 giờ để lên đường cứu công chúa, mặc dù cuộc tìm kiếm có thể kéo dài 2-3 ngày, thậm chí 1 tuần. Vượt qua ma trận cổ tử cung, nhiều chàng chui vào những ngõ cụt, nhiều chàng bị đội quân bạch cầu ăn thịt, khoảng 1 triệu chàng sống sót bơi ngược theo dòng nước trơn nhầy trong suốt, lọt qua cổng dẫn lối vào con đường sống trong một cuộc tranh đua lành mạnh mà ai thắng cũng là người chiến thắng. Để rồi chỉ còn lại vài trăm ngàn chàng vào được tử cung, 8 phần 10 số đó theo một tiếng gọi bí ẩn (hoá hướng động) rẽ sang bên vòi trứng nơi mà công chúa trứng đang say giấc nồng, số còn lại khờ khạo cắm đầu bơi sang vòi trứng bên kia chẳng có ai đợi mình cả! Lúc này các chàng bơi giữa rừng lông rung mềm mại uốn lượn như thảm lúa non nên chặng đường bớt gian nan hơn, nhưng nhiều người vẫn kiệt sức gục ngã. Tới khi tiến đến gần lâu đài chỉ còn lại vài trăm chàng. Thời gian sắp hết, quả là một cuộc so tài hiếm có để chọn ra người giỏi nhất (không có giải nhì), vì chỉ có một nàng công chúa thôi. Chàng đây rồi! Một cú va chạm mạnh khiến anh xuyên thủng tường thành với sức lực phi thường có thể đẩy ra xa một vật thể nặng hơn mình gấp 10 lần rồi lách người vào và tháo bỏ bộ áo giáp trước khi bước vào phòng công chúa. Một nụ hôn thần thánh đánh thức nàng dậy và kết hợp hai người với nhau. Lúc này đây, cánh cửa lâu đài đóng sập lại không cho bất cứ ai vào.

Nhưng em ạ, câu chuyện tình này không kết thúc có hậu như trong truyện cổ tích. Cứ 6 cuộc gặp gỡ thì chỉ 1 cuộc đi tới chuyện “trăm năm”, còn 5 cuộc tan vỡ và tự đào thải. Đó chính là bàn tay của Tạo Hoá giúp loại bỏ những trứng trống hoặc dị tật. Cái phôi bé bỏng còn gặp bao thăng trầm trên bước đường phát triển thành thai nhi suốt 9 tháng 10 ngày trong dạ mẹ. Nhưng ngay từ khi tinh trùng gặp trứng là sự sống mới đã được hình thành. Thật là một mầu nhiệm, bởi vì tác phẩm tuyệt vời được tạo ra chính là em, là tôi, là mỗi người trên mặt đất mênh mông này.

Sau này, em sẽ có bạn gái, rồi có vợ. Rất có thể người em yêu sẽ có thai – một sản phẩm đặc biệt do sự kết hợp của em, người phụ nữ và cả Thượng Đế nữa. Bắt đầu từ phút giây đó, mầm sống cần được trân trọng, bảo vệ và nâng niu, em ạ!

Có rất nhiều chàng trai dắt bạn gái đến bệnh viện để bỏ đi thai nhi mà không rõ mình bỏ đi cái gì, như vứt đi một bã “xinggum” vậy. Tôi nghĩ nếu biết rõ thai nhi được hình thành và phát triển như thế nào, chắc mọi người sẽ biết trân trọng hơn món quà của Thượng Đế, em nhỉ?

Bs. Ths. Nguyễn Lan Hải

Check Also

Cô gái địu con 10 ngày tuổi khi tham dự lễ tốt nghiệp đại học

Một người phụ nữ ở Michigan không chỉ mặc lễ phục tốt nghiệp để nhận …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.