Cướp chiếu để sinh con trai?

Vì tin rằng ai cướp được chiếu sẽ thỏa nguyện khao khát sinh được con trai, hàng trăm thanh niên đã xông vào giằng co, giẫm đạp, chửi bới nhau để giật bằng được manh chiếu cói hay dù chỉ một sợi chiếu trong lễ hội “Đúc Bụt” đầu xuân. Lễ hội này do người dân thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) tổ chức tại miếu Bà – thờ công chúa Ngọc Kinh vào sáng 4/2 vừa qua.

cuop-chieu

Thấy gì qua lễ hội “Đúc Bụt” ?

1-Thiếu cơ sở khoa học:

Theo Uỷ ban Dân số Gia đình &Trẻ em: “Qua theo dõi các nhà khoa học đã công bố tỷ lệ của hai nhiễm sắc thể X và Y là ngang nhau và tất nhiên việc sinh con trai hay gái cũng là 50- 50. Bác sỹ Nguyễn Viết Tiến, giám đốc Bệnh viện Phụ sảnTrung ương cho biết: “Các phương pháp chọn lọc tinh trùng hiện đại có thể gây quái thai. Những lời khuyên trong các loại sách hướng dẫn và vô vàn “mẹo” truyền khẩu khác nhằm sinh con theo ý muốn đều hoàn toàn không có cơ sở khoa học…”.

Như vậy, một manh chiếu hay một vài sợi chiếu làm sao là cơ sở cho việc hình thành giới tính của một thai nhi? Ấy vậy mà trong lễ hội “Đúc Bụt” gia đình nào cướp được chiếu sẽ ra đình làm lễ tạ cùng với đôi chiếu mới rồi về nhà mở tiệc ăn mừng.

2-Không thể xem là “nét đẹp văn hóa quê hương”, là “văn hóa truyền thống”.

Muốn có được manh chiếu hay vài sợi chiếu, người ta đã phải chen lấn, giẫm đạp lên nhau, chửi bới lẫn nhau, thậm chí có năm còn đánh nhau đổ máu. Thử hỏi đó có phải là “nét đẹp văn hóa”, là “văn hóa truyền thống”, cho dù lễ hội này đã có từ lâu đời và được diễn ra ngay sân đình của làng. Cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện, việc tái hiện hay gìn giữ một số lễ hội vào dịp đầu Xuân cho dù với mục đích tốt đẹp đến như thế nào đi nữa, thế nhưng, nếu những người tham gia đã thực hiện với thái độ thiếu văn hóa, đạo đức, không văn minh lịch sự thì chỉ tạo sự phản cảm, nếu không muốn nói là man di mọi rợ.

3- Lạc hậu với tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”.

Chấm dứt vào năm Ất Dậu 1945, thế nhưng tàn dư của chế độ phong kiến vẫn còn ảnh hưởng sâu nặng trong não trạng của người dân Việt, đặc biệt là quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, trọng nam khinh nữ. Do vậy phải có con trai để nối dõi tông đường, để thời cúng cha mẹ … luôn là nỗi khao khát của các gia đình.

Qua điều tra lại các bệnh viện phụ sản và phòng khám tư trên toàn quốc cho thấy, cứ 100 phụ nữ phá thai sau khi biết giới tính bé là nữ (ở tháng thứ 3-4) chỉ có 25 phụ nữ phá thai là bé trai. Sự khao khát con trai đã khiến các ông bố bà mẹ trở nên rất tàn nhẫn với những đứa con gái vô tội của mình.

Đây không chỉ là sự độc ác, bất công với đứa con gái của mình nhưng còn là sự ngu xuẩn, mê muội một cách khó hiểu của các bậc cha mẹ ở thế kỷ 21 này. Vì lẽ GIỚI TÍNH không làm nên giá trị của một con người. Thước đo giá trị của một con người nằm ở trình độ văn hóa, đạo đức, nhân cách, thái độ sống và làm việc, không phải do nhiễm sắc thể tạo nên.

Nếu được trang bị đầy đủ các giá trị nhân văn, đạo đức thì đứa bé dù là trai hay gái sẽ hình thành một thái độ cư xử đúng mực, hiếu thảo với cha mẹ. Nghĩa là,việc báo hiếu không bao giờ là đặc quyền của con trai.

Sinh con trai để nối dõi tông đường ? Nghe cũng có lý. Thế nhưng giống như cuộc đời của một con người. Sống lâu, sống ngắn không quan trọng, quan trọng là mình đã SỐNG NHƯ THẾ NÀO trên cõi đời này. Và đó mới là điều làm nên cuộc sống của mình trở nên có giá trị.

Cũng vậy, tông đường được nối dài hay ngắn cũng không là vấn đề mỗi dòng tộc quan tâm cho bằng là, dòng tộc của mình đã có bao nhiêu người đã trở nên người hữu dụng cho xã hội, cho đất nước? Hãy quan tâm đến việc giáo dục con cái sao cho nên người, thành những công dân có ích. Một đất nước có nhiều công dân tốt, biết yêu nước, thương nòi thì đất nước sẽ bền vững, trong đó có cả gia tộc của chính mình.

Điều đáng nói là một lễ hội vừa mang tính mê tín, phản khoa học, lại vừa gián tiếp cổ súy cho tư tưởng lạc hậu phong kiến “ trọng nam khinh nữ” nhưng đã được lãnh đạo chính quyền địa phương “bảo đảm an ninh tốt” để không xảy ra cảnh đánh nhau chảy máu khi tranh giành chiếu.

Ước gì những cuộc biểu tình tuần hành trong ôn hòa của người dân cũng có những lực lượng bảo vệ như thế, để người tham gia biểu tình không bị đánh gây thương tích và chảy máu mặc dù họ không hề đánh nhau. Mong lắm thay!

Điền Phương Thảo

Theo GNsP

Check Also

Anh chị đã phó thác vào Chúa và Chúa đã nhậm lời anh chị

Hôm trước đi lễ, mình nghe Cha kể lại câu chuyện Cha mới nghe từ …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.