Đạo đức sinh học: Luân lý sự sống (p1)

people-of-god

I/ NHỮNG NGUYÊN TẮC LUÂN LÝ TRUYỀN THỐNG

1/ Nguyên tắc bảo vệ sự sống thể xác

Sự sống thể xác của con người không thể được coi như một cái gì đó ở bên ngoài ngôi vị, nhưng tự nó có được giá trị nền tảng của chính cá vị người. Con người là một tinh thần nhập thể, qua giá trị nền tảng từ sự sống thể xác và nhờ nó mà ngôi vị tự thể hiện lấy chính mình và đi vào thời gian và không gian. Cũng chính con người nhờ sự sống thể xác, có khả năng tự tỏ lộ cũng như có thể thiết lập và biểu lộ những giá trị khác như sự tự do, tính xã hội và cả dự phóng cho tương lai. Bên trên giá trị nền tảng đó chỉ có thể là sự thiện toàn vẹn và tinh thần của ngôi vị mà thôi, và chỉ sự thiện toàn vẹn và cao cả đó mới có thể đòi hỏi người ta phải hy sinh chính sự sống thể xác của mình, trong trường hợp sự thiện tinh thần và luân lý không thể đạt được nếu không có sự hy sinh sự sống (Ví dụ: các thánh tử đạo hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin). Trong trường hợp này, lợi ích thiêng liêng và luân lý, không bao giờ được đặt ra do sự thúc đẩy của những người khác, nhưng được biểu lộ như một sự tự nguyện. Vị tử đạo hy sinh mạng sống của mình cách chính đáng, khi không còn con đường nào khác để thực hiện điều thiện luân lý mang chiều kích ngôi vị và xã hội. Người chịu trách nhiệm về cái chết của các vị tử đạo chính là những người bách hại, những kẻ chủ động ra lệnh thi hành án tử cho các Ngài. Các thánh tử đạo không tự đưa ra cái chết cho chính mình, nhưng là những người khác, những kẻ bách hại. Các vị tử đạo, vì muốn trung thành với đức tin nên đành phải chấp nhận hy sinh chính mạng sống.

Nguyên tắc bảo vệ sự sống thể xác giúp ta có thể đánh giá cách đúng đắn và khách quan những hình thức khác huỷ hoại sự sống con người, chẳng hạn như tự tử, giết người, phá thai, làm chết êm dịu, diệt chủng, chiến tranh xâm lược,… là những hình thức xúc phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền được sống và quyền bất khả xâm phạm đến sự sống. Do đó, người ta không được phép hoặc trực tiếp huỷ hoại sự sống của bất cứ ai để phục vụ cho sự sống của những người khác, hoặc nhằm đến những điều kiện chính trị xã hội tốt hơn cho người khác (Ví dụ: trường hợp phái thai vì lý do kinh tế hay dân số). Không được phép làm như thế, lý do là mỗi ngôi vị là một toàn thể có giá trị tự nó chứ không phải chỉ là một phần của xã hội.

Liên can đến sự sống con người, nguyên tắc này còn đòi hỏi phải quan tâm đến việc bảo vệ sức khoẻ của con người nữa. Từ quyền sống dẫn đến quyền được chăm sóc sức khoẻ. Quan tâm bảo vệ và cải thiện sức khoẻ cho tất cả mọi người cách xứng hợp cũng là một đòi buộc luân lý. Quyền ở đây là “quyền được hưởng những phương tiện và những chăm sóc cần thiết” để bảo vệ và cải thiện sức khoẻ. Số 25 của Tuyên ngôn thuộc tổ chức Y Tế Thế Giới, công bố tháng 12 năm 1948 có ghi rõ: “Mỗi người đều có quyền có được một cuộc sống sung túc, được bảo đảm sức khoẻ và quyền lợi của chính mình cũng như của gia đình mình, quyền được có của ăn, áo mặc, nhà ở, được chăm sóc y tế và các dịch vụ của xã hội cần thiết, quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, bệnh tật, tàn tật, goá bụa, già cả và trong trường hợp bị mất đi những phương tiện cần thiết cho cuộc sống trong những hoàn cảnh đặc biệt ngoài ý muốn”. Bản Tuyên ngôn này cũng khẳng định có sự bình đẳng giữa các dân tộc trong việc bảo vệ sức khoẻ cho mỗi người dân.

2/ Nguyên tắc tự do và trách nhiệm

Tự do – trách nhiệm luôn được coi như là nền tảng của hành vi nhân linh, của hành vi đạo đức nơi con người. Sự tự do đòi mỗi người phải chịu trách nhiệm đối với sự sống của chính mình và của những người khác nữa. Vì lẽ để được tự do, cần thiết phải sống trước đã. Do đó, sự sống chính là điều kiện không thể thiếu đối với mọi người và đối với việc thực hành tự do.

Trong lãnh vực đạo đức y học, nguyên tắc tự do – trách nhiệm đã làm nổi lên vô số vấn đề. Chẳng hạn, đối với “quyền được làm chết êm dịu”: nguyên tắc này cho thấy rằng người ta không có quyền, nhân danh tự do, được chọn cho mình việc tự huỷ hoại cuộc sống. Người ta cũng không được tự do bỏ qua những việc chữa trị bó buộc đối với các bệnh nhân mắc bệnh tâm thần hoặc từ chối không chữa trị cho các bệnh nhân vì những lý do chính trị hay tôn giáo. Nhìn chung, nguyên tắc này chấp nhận sự đòi buộc luân lý nơi bệnh nhân phải cộng tác vào những việc chữa trị thông thường và cần thiết để cứu lấy mạng sống và sức khoẻ của chính mình và của những người khác nữa. Trong một số trường hợp, như trường hợp liên quan đến những bệnh nhân từ chối những việc chữa trị cần thiết cho sinh mạng và để sống còn khi người thầy thuốc, theo lương tâm cho rằng cần phải duy trì những việc chữa trị trên, thì người ta có quyền điều chỉnh việc kéo dài thêm những việc chữa trị cần thiết. Điển hình như trường hợp cha mẹ của những đứa trẻ sơ sinh di tật, muốn áp dụng việc chọn lựa ưu sinh đối với trẻ sơ sinh, từ chối không cho người ta nuôi dưỡng những đứa trẻ sơ sinh dị tật của mình. Đó rõ ràng là lạm dụng tự do cuả cha mẹ trên sinh mạng của hài nhi mới sinh.

Nguyên tắc tự do – trách nhiệm này cũng được áp dụng cho chính bệnh nhân. Nguyên tắc này bị giới hạn bởi nguyên tắc phải bảo vệ sự sống, sứ sống của con người tự nó có giá trị cao hơn sự tự do. Nó đòi hỏi trách nhiệm phải bảo vệ cho sự sống con người nơi chính bệnh nhân và nguyên tắc bảo vệ sự sống con người cũng giới hạn tự do và trách nhiệm của chính người thầy thuốc nữa. Thầy thuốc không có quyền tìm cách hạn chế việc chữa trị cho bệnh nhân, bao lâu bệnh nhân còn tin tưởng phó thác nơi thầy thuốc và cơ quan y tế để được chữa trị và phục hồi sức khoẻ. Tuy nhiên, thầy thuốc có phận vụ thông báo cho bệnh nhân biết về những diễn tiến của phương pháp chữa trị và phải hỏi ý kiến bệnh nhân cách rõ ràng và chờ quyết định của bệnh nhân, nếu có những diễn tiến bất ngờ xảy đến: chẳng hạn, việc chữa trị chỉ có thể đạt kết quả năm ăn năm thua, tức đòi hỏi sự liều lĩnh, không chắc chắn lắm, hoặc kết quả không đáng kể hoặc trước khi áp dụng một phương thức chữa trị cực kỳ nguy hiểm có thể đưa đến những hậu quả nghiêm trọng. Cũng cần tham khảo ý kiến của bệnh nhân trước khi sử dụng hoặc thử nghiệm một dược phẩm mới. Nên nhớ rằng sự sống và sức khoẻ của bệnh nhân trước tiên và ưu tiên thuộc thẩm quyền của chính bệnh nhân và người thầy thuốc không thể có được những quyền hạn cao hơn quyền của chính bệnh nhân đang được điều trị. Do đó, người thầy thuốc, xét trên phương diện đạo đức, nên suy nghĩ cách chín chắn và không nên tự lừa dối mình hoặc lừa dối bệnh nhân, đối với những trường hợp vượt quá khả năng hoặc vượt quá trách nhiệm của mình, có thể và cần phải nói rõ cho bệnh nhân biết trách nhiệm của mình đến đây là hết, đồng thời mời gọi bệnh nhân nghĩ đến việc chuyển đến những bệnh viện khác hoặc tìm đến với các thầy thuốc khác chuyên môn hơn hoặc giỏi hơn. Người thầy thuốc không có quyền dấu diếm bệnh nhân cũng như bệnh nhân không có quyền áp đặt hay tạo áp lực đối với thầy thuốc, cả hai phải liên đới chịu trách nhiệm đối với sự sống và sức khoẻ của con người như một điều thiện hảo hoặc của cá nhân hoặc của xã hội.

3/ Nguyên tắc về sự xấu nhỏ hơn

Có một số trường hợp xảy ra tranh chấp giữa hai sự xấu, ta có quyền chọn điều xấu nào? Có thể có những trường hợp tranh chấp sau đây:

a/ Tranh chấp giữa thiệt hại thể lý và thiệt hại luân lý

Khi có tranh chấp giữa một bên là thiệt hại thể lý và bên kia là thiệt hại luân lý, thì theo nguyên tắc ta phải chấp nhận chịu thiệt hại thể lý chứ không được chấp nhận thiệt hại luân lý. Lý do là thiệt hại luân lý làm hại cho sự thiện cao hơn, cho sự thiện tinh thần và suy cho cùng ta thấy rằng sự thiệt hại luân lý, dù có ý thức hay không, cũng gây thiệt hại cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Hiểu như thế khi bắt buộc phải quyết định chọn lựa một trong hai, các Kitô hữu đành phải chấp nhận hy sinh lợi ích thể xác hay vật chất. Những lợi ích đó không chỉ là những lợi ích kinh tế, nhưng còn có thể là những lợi ích xã hội (chẳng hạn: như sự hoà hợp, hài hoà với những người khác, nguy cơ mất việc làm… ). Không hiếm khi các Kitô hữu phải chấp nhận hy sinh chính mạng sống mình để không phạm sự xấu luân lý (tử đạo).

b/ Tranh chấp giữa thiệt hại luân lý

Khi có sự tranh chấp đòi phải lựa chọn giữa hai thiệt hại luân lý, các Kitô hữu bị bắt buộc phải từ chối cả hai, bởi lẽ sự xấu luân lý, dù lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ, vẫn là sự xấu và không thể trở thành đối tượng cho việc chọn lựa. Ở đây xin đơn cử một ví dụ: Người thầy thuốc gia đình hay bác sĩ sản khoa bị thân chủ của mình yêu cầu phải cho toa sử dụng thuốc tránh thai, nếu không người đó sẽ phá thai. Trong trường hợp này, bác sĩ phải từ chối không đáp ứng yêu cầu đòi hỏi và nếu vì thế mà thân chủ từ chối quyết định phá thai thì trách nhiệm của việc phá thai đó không thể gán cho người thầy thuốc.

c/ Tranh chấp giữa thiệt hại thể lý

Khi có tranh chấp trong việc chọn lựa giữa hai thiệt hại thể lý, một cái lớn một cái nhỏ, thì theo nguyên tắc này, thường người ta nên chọn thiệt hại nhỏ hơn để tránh thiệt hại khác lớn hơn. Chẳng hạn: người mắc bệnh tiểu đường cần phải chấp nhận cưa mất một chân để có thể sống còn. Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp chủ thể có thể chọn lựa cách hợp pháp sự thiệt hại thể lý lớn lao hơn khi có đủ lý do chính đáng và cân xứng. Chẳng hạn: người mắc bệnh ung thư có thể từ chối uống thuốc giảm đau, do đó phải chịu nhiều cơn đau đớn hơn, nhưng tâm trí được minh mẫn sáng suốt để có thể trò chuyện với thân nhân mình. Hoặc cũng có thể việc chọn lựa đó được thúc đẩy bởi lý do tôn giáo: cùng chịu đau khổ với Đức Kitô chịu đóng đinh để đền tội,…

4/ Nguyên tắc song hiệu

Ngay cả người chủ trương nghĩa vụ học một cách xác tín nhất, cũng phải nhìn nhận rằng trong đời thường, không phải lúc nào cũng có thể phân biệt minh bạch ranh giới giữa thiện và ác. Không phải lúc nào những hiệu quả xấu cũng được sinh ra song song với những hiệu quả tốt. Ta tự hỏi: Vậy thì có được phép làm một hành động nào đó khi biết nó có thể đưa đến một hiệu quả xấu không? Ở thế kỷ XVII, sau một thời gian nghiên cứu khá lâu, luân lý học đã đưa ra câu trả lời cho vấn đề này qua nguyên tắc song hiệu (một hành động phát sinh hai hiệu quả). Nguyên tắc đó như sau: Một hành động phát sinh cùng một lúc hiệu quả tốt và cả hiệu quả xấu, có thể chấp nhận được với những trường hợp sau đây:

+ Hành động đó tự nó là tốt (hoặc không tốt cũng không xấu)

+ Ý hướng của tác nhân chỉ nhắm đến hiệu quả tốt mà thôi, trong khi hiệu quả xấu chỉ xảy ra ngoài ý muốn của tác nhân và phải chấp nhận cách miễn cưỡng, hoặc cho phép thôi.

+ Hiệu quả xấu không phải là phương tiện để đạt được hiểu quả tốt.

+ Phải có một sự cân xứng cần thiết giữa hiệu quả tốt và hiệu quả xấu.

Trong lãnh vực đạo đức sinh học, nguyên tắc song hiệu luôn luôn được các tác giả công giáo sử dụng trong hai tình huống hết sức đặc biệt sau đây:

– Trường hợp I: trường hợp của người phụ nữ mang thai, nhưng tử cung lại mắc phải một thứ ung bướu hết sức nguy hiểm. Người thầy thuốc, trong trường hợp này, theo nguyên tắc song hiệu, có thể cắt bỏ tử cung đang nhiễm ung thư, dù ông biết rõ rằng việc cắt bỏ đó sẽ làm phương hại đến bào thai. Khi làm công việc đó, người thầy thuốc hoàn toàn chỉ nhắm đến việc chữa trị cho người mẹ và sự thiệt hại đến bào thai chỉ là một hiệu quả phát sinh ra ngoài ý muốn.

Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp song hiệu không phải lúc nào cũng được tất cả mọi người đồng thuận. Ngoài ra, qua ví dụ trên đây, cần nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa trường hợp trong đó việc phá thai được muốn cách trực tiếp như là phương tiện để chữa trị căn bệnh của người phụ nữ đang mang thai, với trường hợp việc làm hại đến bào thai chỉ là một hiệu quả ngoài ý muốn của một cuộc giải phẫu nhằm trực tiếp nhắm đến việc cắt bỏ tử cung đang mắc bệnh ung thư mà thôi. Như thế, rõ ràng là trong trường hợp thứ I, việc làm hại đến bào thai đã trở thành phương tiện xấu (phá thai) để đạt được kết quả tốt (cứu người mẹ).

– Trường hợp II: Có những bệnh nhân bị mắc bệnh ung thư phải chịu đựng những cơn đau đớn quá mức do khối u ác tính gây ra. Trong trường hợp này, họ có thể dùng thuốc giảm đau để giảm bớt cơn đau đớn quá mức với liều lượng Morphine tăng dần. Ai cũng biết việc sử dụng Morphine hay bất cứ thứ thuốc giảm đau nào khác, cho dù liều lượng chỉ là ở mức độ điều trị, đều có thể làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân. Tuy nhiên, trường hợp này không bị coi là một hình thức giết người êm dịu nếu người thầy thuốc, tuy biết trước hậu quả nhưng không hề có ý định làm giảm tuổi thọ bệnh nhân. Về vấn đề này, Giáo hội cũng đã lên tiếng cách chính thức do đức PIO XII vào năm 1957 và được nhắc lại trong Tuyên ngôn về vấn đề cái chết êm dịu của Bộ Giáo Lý Đức Tin vào năm 1980. “Trong trường hợp này, rõ ràng là cái chết không do ý muốn hay tìm kiếm bằng một cách thế nào đó, cho dù có thể là một sự liều lĩnh nhưng với lý do chính đáng: nhằm làm giảm những cơn đau đớn quá mức cho bệnh nhân mà thôi”.

5/ Nguyên tắc toàn vẹn hay nguyên tắc trị liệu

Nguyên tắc này được coi như một trong những nguyên tắc nền tảng và đặc loại của khoa đạo đức y khoa. Nguyên tắc này dựa trên sự kiện thân xác con người là một toàn thể duy nhất gồm nhiều thành phần kết hợp lại với nhau. Chúng được nối kết cách chặt chẽ và có hệ thống để làm thành một con người duy nhất và cá vị.

Nguyên tắc bất khả xâm phạm đến sự sống con người được coi là nguyên tắc nền tảng, vẫn có thể được áp dụng ở đây. Trong trường hợp để cứu sống một con người, người ta có thể hy sinh bằng việc cắt bỏ những phần cơ thể đang bị hư hoại nghiêm trọng và có nguy cơ làm hại đến chính sự sống và đến cả con người. Trong trường hợp như thế, người thầy thuốc không những được phép mà còn bắt buộc phải sử dụng đến y khoa, đến việc giải phẩu trị liệu, để cứu sống sinh mạng của bệnh nhân. Do đó, nguyên tắc này còn được gọi là nguyên tắc toàn vẹn trị liệu.

Nguyên tắc toàn vẹn này có thể được áp dụng trong việc loại bỏ những khối u và để biện minh cho những can thiệp y khoa, những phương thức trị liệu nguy hiểm, liều lĩnh và những can thiệp có thể dẫn đến những hiệu quả phụ tiêu cực ngoài ý muốn kèm theo. Chẳng hạn, việc cắt bỏ khối u ở tử cung, có thể làm cho người phụ nữ trở thành vô sinh. Trong trường hợp đó, hiệu quả kèm theo chỉ là một thiệt hại xảy ra ngoài ý muốn.

Để áp dụng nguyên tắc toàn vẹn trị liệu này, người ta phải tuân theo một số điều kiện như: chỉ có thể cắt bỏ phần cơ thể đang đau và có nguy cơ làm hại đến chính cơ thể, đến toàn thể con người (ví dụ: cắt bỏ trái thận bị hư, hay một lá phổi bị nhiễm bệnh). Chỉ được áp dụng nguyên tắc toàn vẹn khi không còn có thể trị liệu bằng cách thế nào khác. Kết quả mà việc sử dụng nguyên tắc trị liệu mang lại có giá trị cao hơn và tương xứng hơn. Sau cùng là cần phải có sự đồng ý của chính bệnh nhân.

Nguyên tắc toàn vẹn trị liệu có thể được áp dụng cách đặc biệt không chỉ trong những trường hợp chung đối với việc cắt bỏ những cơ phận đau yếu, nhưng cũng có thể áp dụng cho những trường hợp đặc biệt khác như việc vô sinh trị liệu, việc cấy ghép cơ phận, việc chữa trị gen. Tiện đây ta cũng nói tới vấn đề triệt sản với mục đích ngừa thai, việc thụ tinh trong ống nghiệm và việc phá thai trị liệu. Những trường hợp vừa nêu không áp dụng cách hợp pháp nguyên tắc toàn vẹn đúng nghĩa.

Nguyên tắc toàn vẹn trị liệu, do đó được coi là sự bổ sung cho nguyên tắc song hiệu: như thế nào thì được coi là không có lỗi khi việc làm dẫn tới hiệu quả xấu? Nguyên tắc toàn vẹn đã được Giáo hội công bố qua lời giáo huấn của đức Piô XII vào năm 1952: “Người bệnh, theo nguyên tắc toàn vẹn được quyền sử dụng những phần trong cơ thể của mình như là một toàn thể. Do đó, có thể cắt bỏ một số cơ phận, khi và trong mức độ cần thiết vì lợi ích của toàn bộ cơ thể để đảm bảo cho sự sống hoặc để tránh hay để cứu vớt khỏi những thiệt hại nghiêm trọng và kéo dài khi không còn có thể tìm được giải pháp nào khác”.

Cắt bỏ một cơ phận bị ung thư là một sự can thiệp có tính cách trị liệu là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, phải giải thích thế nào khi cắt bỏ một bộ phận lành lặn, không thương tích? Chẳng hạn việc cắt bỏ buồng trứng hay cắt bỏ tinh hoàn như phương thế trị liệu trong một vài loại khối u ở các tuyến nội tiết? Theo nguyên tắc song hiệu thì những can thiệp loại này không được chấp nhận, bởi lẽ việc cắt bỏ cơ phận lành lặn được nhằm đến như là phương tiện xấu để đạt mục đích tốt (chữa bệnh). Trái lại, trên nền tảng của nguyên tắc toàn vẹn thì có thể chấp nhận được việc cắt bỏ một cơ phận lành lặn nào đó nếu việc giữ lại hay nếu sự hoạt động bất bình thường của nó gây ra cho toàn cơ thể một thiệt hại đáng kể, khi không còn phương cách nào khác ngoài việc cắt bỏ cơ phận đó. Trong trường hợp này, cơ phận lành lặn và sự vận hành của nó không còn ý nghĩa và việc giữ nó lại sẽ gây thiệt hại đáng kể cho toàn cơ thể. Do đó, sự cắt bỏ một số các cơ phận có thể chấp nhận được mà không cần thiết các cơ phận đó phải đau, nếu chúng trở thành nguy cơ đích thực cho toàn bộ cơ thể.

Quan niệm con người là một chủ thể đồng nhất là xác và hồn đưa đến việc nới rộng trương độ truyền thống nguyên lý toàn thể, từ chiều kích thể xác đến chiều kích tâm sinh lý của nhân vị. Thật vậy, mỗi cơ phận là thành phần của một cơ thể và chỉ trong cơ thể nó tìm thấy ý nghĩa sự hiện hữu của nó. Từ quan niệm đó, một vài tác giả công giáo cho rằng có thể biện minh cho việc phẫu thuật để cắt bỏ một phần cơ thể vì lợi ích cho toàn thân khi việc dùng phẫu thuật đó thực sự mang lại lợi ích khách quan và tốt đẹp hơn cho con người (ví dụ: cưa chân để sống còn trong trường hợp tiểu đường nặng). Sự sống còn của toàn thể cơ thể dù bị cắt bớt đi một phần vẫn tốt hơn. Cũng có người nghĩ là có thể chặt một tay đang bị trói để thoát khỏi bị gian giữ cách bất công (ví dụ: bị bắt làm con tin, hay tống tiền). Trường hợp này thà hy sinh một phần thân xác để đạt được lợi ích lớn hơn đó là sự tự do. Tuy nhiên, không thể sử dụng nguyên tắc toàn thể cho những trường hợp bắt phải hy sinh những con người, vì lợi ích của gia đình hay quốc gia (việc giết chết các bào thai vì lợi ích kế hoạch hoá gia đình hay vì kinh tế). Ngoài ra, không thể biện minh cho việc mua bán các cơ phận của một người còn đang sống.

6/ Nguyên tắc trợ giúp và liên đới

Nguyên tắc liên đới và trợ giúp đòi hỏi mỗi cá nhân phải dấn thân trong việc tự hoàn thiện chính mình, và tích cực đóng góp cho việc thực hiện thiện ích của những người khác. Trong trường hợp thăng tiến đời sống và sức khoẻ, mỗi công dân trong xã hội phải quan tâm coi chính sự sống của mình và của người khác như là điều thiện ích không chỉ cho cá nhân, nhưng còn cho cả xã hội và cố gắng giúp cho tập thể cải thiện đời sống và sức khoẻ của mỗi người, cải thiện lợi ích chung, đồng thời cải thiện lợi ích của riêng mình.

Mỗi cá vị cần phải mở rộng hướng về xã hội và tính hợp quần (tính xã hội), một phẩm tính đặc biệt và nổi bật của hữu thể người. Nơi con người, sự sống và sức khoẻ được coi là những lợi ích cơ bản. Những lợi ích cơ bản này của mỗi con người, tuỳ thuộc rất nhiều vào sự liên đới và giúp đỡ của những người khác. Chẳng hạn, chỉ cần khảo sát tình hình sức khoẻ liên quan đến việc ô nhiễm môi trường, liên quan đến những bệnh dịch dễ lây lan thì đủ rồi…

Nguyên tắc trợ giúp và liên đới có thể giúp ta biện minh cho việc trao tặng những phần cơ phận và những tế bào, cho dù người cho phải chịu một vài mất mát hay tổn thương nào đó. Nguyên tắc này cũng có thể khích lệ, động viên một sự trợ giúp tự nguyện và cũng có thể làm cho phát sinh ra nhiều hoạt động thiện nguyện với mục đích phục vụ thiện nguyện của những người khoẻ mạnh nhằm giúp đỡ cho những người bệnh nhân.

Xét theo phương diện công bình xã hội, nguyên tắc trợ giúp đòi hỏi cộng đồng xã hội phải đảm bảo cho tất cả mọi người có đầy đủ những phương tiện để có được sự chữa trị cần thiết, kể cả việc đòi hỏi các ân nhân phải hy sinh. Tuy nhiên, nguyên tắc trợ giúp này cần phải được trợ giúp bởi nguyên tắc liên đới; với nguyên tắc liên đới, cộng đoàn xã hội, một mặt cần phải giúp đỡ nhiều hơn những nơi có nhu cầu lớn hơn, mặt khác không được thay thế hay áp đặt, đặt những điều kiện bất công để đổi lấy sự trợ giúp nhỏ giọt.

Ưng dụng vào lãnh vực Đạo đức sinh học lẽ ra các nước phát triển phải tạo điều kiện giúp cho những nước đang phát tiển những phương tiện và những cơ sở y tế cần thiết, bởi lẽ những nước này có đông bệnh nhân, nhưng lại rất thiếu thốn những phương tiện và thiếu thốn những cơ sở y tế cần thiết. Ngoài ra, những bệnh nhân ở giai đoạn cuối, những bệnh nhân mãn tính, những trẻ em dị tật, những người mắc bệnh tâm thần, dựa theo những nguyên tắc trên lẽ ra họ phải được quan tâm nhiều hơn và cần phải được chăm sóc kỹ hơn. Điều đáng tiếc là ở nhiều nơi, người ta đã không tôn trọng hoặc có khi có những chủ trương ngược lại những nguyên tắc liên đới và trợ giúp này.

7/ Nguyên tắc về việc cộng tác vào điều xấu

Vấn đề đặt ra là người ta có thể hợp tác với một hành vi xấu hay không? Nhất là khi hành vi đó tự bản chất của nó là xấu (chẳng hạn như việc phá thai, giết người êm dịu)? Trách nhiệm luân lý sẽ như thế nào đối với những người cộng tác ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp vào việc thực hiện một hành vi xấu? Luân lý truyền thống cho thấy có những khác biệt nhau về loại và về mức độ cộng tác vào điều xấu.

a/ Sự cộng tác mô thức

Là sự tham gia tích cực với ý hướng xấu vào một hành vi xấu, bị coi là bất chính và luôn luôn không được phép. Sự hợp tác được đánh giá là tích cực này không nhất thiết phải có một sự hợp tác thể lý. Để trở thành đồng loã đối với hành vi xấu, không cần thiết phải có một sự cộng tác thể lý rõ ràng, nhưng chỉ cần một sự gợi ý, một sự khích lệ, chuẩn thuận và đôi khi chỉ với một sự im lặng đồng loã cũng đáng bị kết tội rồi khi lẽ ra, con người đó tự thấy mình có bổn phận phải tích cực ngăn cản hoặc chống lại hành vi xấu đó (chẳng hạn: im lặng hoặc xúi dục hoặc chỉ giúp phương tiện cho một người muốn phá thai hoặc đi ăn cắp).

b/ Sự cộng tác chất thể

Là sự hợp tác cách miễn cưỡng, không thực sự muốn tham gia vào một hành động xấu dẫn tới những hiệu quả xấu. Có hai trường hợp trong sự hợp tác chất thể:

– Sự cộng tác trực tiếp: Là trường hợp tuy không muốn nhưng trực tiếp tham gia vào một hành vi xấu, thì bị coi là kẻ đồng loã, cho dù mình không cố ý muốn cho việc đó xẩy đến. Ví dụ: Cô y tá phải chuẩn bị và trao các dụng cụ phá thai cho bác sĩ trong khi bác sĩ đó phá thai. Sự cộng tác này không bao giờ được phép và được coi là vô tội vạ.

– Sự cộng tác gián tiếp: Cần phải xem xét sự cộng tác đó là gần hay xa, cũng như phải xét xem những điều kiện nào để một hành động xấu có thể thực hiện. Sự cộng tác càng xa với hành động xấu bao nhiêu thì càng dễ được coi là vô tội bấy nhiêu. Hơn nữa, sự cộng tác chất thể gián tiếp được coi là vô tội vạ nếu việc phục vụ, tuy có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi cho một hành động xấu, nhưng việc phục vụ đó, tự nó là một việc làm không xấu và được thực hiện khi có lý do chính đáng. Ví dụ: Cô y tá phải khám điện tâm đồ cho một phụ nữ và bà này có ý định phá thai (cô y tá không hề có ý định tạo điều kiện để người phự nữ thực hiện việc phá thai khi đo điện tâm đồ). Trong trường hợp này, cô y tá sẽ không có lỗi gì vì cô đã không có ý làm nhiệm vụ khám điện tâm đồ đó với mục đích chuẩn bị xa cho việc phá thai. Một số người cho rằng những nguyên tắc về sự cộng tác chất thể hay mô thể vào một hành động xấu, tuỳ thuộc vào sự cộng tác do tự ý muốn hay sự cộng tác không chủ ý muốn, vào một hành động xấu do kẻ khác gây nên.

Một hiệu quả xấu được coi là ý muốn tự nó, khi chính chủ thể muốn trực tiếp và rõ ràng, như thường thấy trong sự hợp tác mô thức. Trái lại, một hiệu quả xấu được coi là không chủ ý muốn khi được tiên đoán là nó có thể xảy ra. Trong trường hợp này, nếu như có thể tránh được thì cần phải tránh. Sự cộng tác chất thể có thể là hoàn toàn không chủ ý muốn cộng tác thì không có lỗi (như trường hợp cô y tá trên). Trái lại sẽ có lỗi nếu mình không chịu tránh và vẫn cứ làm một việc mà thấy trước rằng việc đó sẽ dẫn đến một hiệu quả xấu, tuy dù không có ý muốn cộng tác.

Hiện nay, nguyên tắc về sự hợp tác đã trở thành đối tượng của lợi ích đang phục hồi, dẫu rằng nó không được nêu tên cách rõ ràng và được hàm chứa trong một đề tài rộng lớn hơn về thoả hiệp đạo đức. Sự hợp tác chỉ nhắm vào lợi ích này đã được nhắc đến trong cuộc tranh luận về những cơ cấu tội lỗi (những cơ cấu chính trị và tội lỗi). Đối với những cơ cấu đó, bất cứ ai tham gia cách miễn cưỡng, dù chỉ hành động trong phạm vi nội bộ và gián tiếp bị cưỡng bách và tiếp tục làm, người đó có thể nại đến quyền tự do lương tâm của công dân để phản đối. Nhất là đối với những việc làm trái đạo đức trong lãnh vực y khoa hay trong những phản đối công khai của người dân không chịu đóng góp cũng như không đóng thuế cho nhà nước nhằm khuếch trương kỹ nghệ chiến tranh (tức việc sản xuất vũ khí) của quốc gia mình.

(còn tiếp)

Vinhsơn Nguyễn Phước Thiện, OP.

nguồn: catechesis.net

Check Also

Nếu thai nhi bị dị tật có được phá không?

Quả thật xét theo tâm lý bình thường của con người, cha mẹ nào lại …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.