Đạo đức sinh học: luân lý sự sống (p2)

doctor-catholic
II/ CÁC NGUYÊN TẮC LUÂN LÝ ĐẶC BIỆT CHO LÃNH VỰC Y KHOA

1/ Tôn trọng sự sống thể xác của con người

Sự sống thể xác của con người không thể được coi như một cái gì đó ở bên ngoài ngôi vị, nhưng tự nó có được giá trị nền tảng của chính cá vị người. Con người là một tinh thần nhập thể, qua giá trị nền tảng từ sự sống thể xác và nhờ nó mà ngôi vị tự thể hiện lấy chính mình và đi vào thời gian và không gian. Cũng chính con người nhờ sự sống thể xác, có khả năng tự tỏ lộ cũng như có thể thiết lập và biểu lộ những giá trị khác như sự tự do, tính xã hội và cả dự phóng cho tương lai. Bên trên giá trị nền tảng đó chỉ có thể là sự thiện toàn vẹn và tinh thần của ngôi vị mà thôi, và chỉ sự thiện toàn vẹn và cao cả đó mới có thể đòi hỏi người ta phải hy sinh chính sự sống thể xác của mình, trong trường hợp sự thiện tinh thần và luân lý không thể đạt được nếu không có sự hy sinh sự sống (Ví dụ: các thánh tử đạo hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin). Trong trường hợp này, lợi ích thiêng liêng và luân lý, không bao giờ được đặt ra do sự thúc đẩy của những người khác, nhưng được biểu lộ như một sự tự nguyện. Vị tử đạo hy sinh mạng sống của mình cách chính đáng, khi không còn con đường nào khác để thực hiện điều thiện luân lý mang chiều kích ngôi vị và xã hội. Người chịu trách nhiệm về cái chết của các vị tử đạo chính là những người bách hại, những kẻ chủ động ra lệnh thi hành án tử cho các Ngài. Các thánh tử đạo không tự ra cái chết cho chính mình, nhưng là những người khác, những kẻ bách hại. Các vị tử đạo, vì muốn trung thành với đức tin nên đành phải chấp nhận hy sinh chính mạng sống.

Nguyên tắc bảo vệ sự sống thể xác giúp ta có thể đánh giá cách đúng đắn và khách quan những hình thức khác huỷ hoại sự sống con người, chẳng hạn như tự tử, giết người, phá thai, làm chết êm dịu, diệt chủng, chiến tranh xâm lược,… là những hình thức xúc phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền được sống và quyền bất khả xâm phạm đến sự sống. Do đó, người ta không được phép hoặc trực tiếp huỷ hoại sự sống của bất cứ ai để phục vụ cho sự sống của những người khác, hoặc nhằm đến những điều kiện chính trị xã hội tốt hơn cho người khác (Ví dụ: trường hợp phái thai vì lý do kinh tế hay dân số). Không được phép làm như thế, lý do là mỗi ngôi vị là một toàn thể có giá trị tự nó chứ không phải chỉ là một phần của xã hội.

Liên quan đến sự sống con người, nguyên tắc này còn đòi hỏi phải quan tâm đến việc bảo vệ sức khhoẻ của con người nữa. Từ quyền sống dẫn đến quyền được chăm sóc sức khoẻ. Quan tâm bảo vệ và cải thiện sức khoẻ cho tất cả mọi người cách xứng hợp cũng là một đòi buộc luân lý. Quyền ở đây là “quyền được hưởng những phương tiện và những chăm sóc cần thiết” để bảo vệ và cải thiện sức khoẻ. Số 25 của Tuyên ngôn thuộc tổ chức Y Tế Thế Giới, công bố tháng 12 năm 1948 có ghi rõ: “Mỗi người đếu có quyền có được một cuộc sống sung túc, được bảo đảm sức khoẻ và quyền lợi của chính mình cũng như của gia đình mình, quyền được có của ăn, áo mặc, nhà ở, được chăm sóc ý tế và các dịch vụ của xã hội cần thiết, quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, bệnh tật, tàn tật, goá bụa, già cả và trong trường hợp bị mất đi những phương tiện cần thiết cho cuộc sống trong những hoàn cảnh đặc biệt ngoài ý muốn”. Bản Tuyên ngôn này cũng khẳng định có sự bình đẳng giữa các dân tộc trong việc bảo vệ sức khoẻ cho mỗi người dân.

2/ Tôn trọng sự tự quyết của mỗi cá nhân

Trong lãnh vực y khoa, nguyên tắc căn bản mà mọi người cần phải tôn trọng đó là nguyên tắc về sự tự quyết của mỗi cá nhân. Những người thầy thuốc chỉ được phép can thiệp trên sự sống con người khi có sự thoả thuận và đồng ý rõ ràng của chính các bệnh nhân. Chẳng hạn trong tuyên ngôn về nghĩa vụ luật trong thời chiến do hiệp hội y tế quốc tế (Cuba 1956, Istambu 1957, Venice 1983) điều khoản 3 ghi rõ: “Thực nghiệm trên người, trong thời chiến phải tuân thủ những quy luật thời bình: nghiêm cấm không được thực hiện trên cá nhân mất tự do, cụ thể là trên tù nhân dân sự cũng như quân sự và trên dân chúng của nước bị chiếm đóng”. Còn trong tuyên ngôn của hiệp hội y tế thế giới về quyền của các bệnh nhân (Lisbonne 1981, Bali 1995) điều khoản 3 có ghi:

a/ Bệnh nhân có quyền quyết định những vấn đề liên quan tới họ. Tuy nhiên, thầy thuốc có bổn phận phải thông báo và hướng dẫn cho bệnh nhân biết về những hậu quả do các quyết định này gây ra.

b/ Bất cứ một bệnh nhân trưởng thành nào cũng có quyền bằng lòng hay không bằng lòng đối với một phương pháp chẩn đoán hay điều trị. Họ có quyền được thông tin để lấy quyết định,…

c/ Bệnh nhân có quyền chấp thuận hay từ chối tham gia vào cuộc nghiên cứu hay giảng dạy y học.

Theo nghĩa vụ Y Đức thầy thuốc Âu Châu nói về sự thoả thuận sáng suốt như sau:

+ Điều 4: “Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp, thầy thuốc phải chỉ dẫn cho bệnh nhân những hiệu lực và hậu quả của công cuộc điều trị họ phải được sự chấp thuận của bệnh nhân, nhất là khi những hành động đề xuất có những nguy cơ trầm trọng. Thầy thuốc không thể đem quan niệm cá nhân của mình để thay thế cho quan niệm riêng tư của chính bệnh nhân”.

+ Điều 20 (về sự thực nghiệm trên người): “Sự thoả thuận tự do và sáng suốt của chủ thể chịu sự thực nghiệm phải được đón nhận sau khi đã thông báo cho họ biết mục tiêu, ích lợi của nghiên cứu cũng như những nguy cơ và phiền toái có thể xảy ra. Họ có quyền từ chối tham gia hay ngưng tham gia vào cuộc thực nghiệm bất cứ lúc nào”.

Tuy nhiên, trong thực tế đã có quá nhiều những lạm dụng, đặc biệt trong lãnh vực thử nghiệm trên cơ thể người. Nhiều con người đã trở thành nạn nhân của việc thử nghiệm. Nhiều người, trước những cuộc thử nghiệm, hoặc không có sự tự do để quyết định, hoặc không được giải thích cặn kẽ nên không lường được những hậu quả của những cuộc thử nghiệm hay chữa trị mà các bác sĩ đề nghị. Trong nhiều trường hợp, đương sự chỉ được hỏi ý kiến một cách chiếu lệ chứ họ chẳng có quyền quyết định gì hết. Chẳng hạn như dưới thời Nazi, trong thế chiến thứ II, khoa học và cả y học trở thành công cụ cho chủ thuyết quốc gia quá khích, cho thuyết chủng tộc thiển cận, biến con người, các tù nhân hoặc các bệnh nhân thành những con số, những vật thể được đem ra thí nghiệm một cách không thương xót!

Về việc làm cái chết êm dịu, tại Canada Uỷ ban cải cách quốc hội năm 1983 đã đưa ra những khuyến cáo như sau:

+ Uỷ ban chống lại việc làm chết êm dịu dưới mọi hình thức và coi đó như là một hành động giết người cố ý.

+ Uỷ ban khuyến cáo việc làm chết êm dịu vì thương hại không khác gì giết người cố ý.

+ Uỷ ban khuyến cáo việc làm chết êm dịu là một tội phạm.

III/ LẬP TRƯỜNG GIÁO HỘI

Trước những lạm dụng và xâm phạm nghiêm trọng đến sự sống con người, Giáo hội công giáo đã nhiều lần lên tiếng, mạnh dạn bênh vực và nghiêm khắc cảnh giác mọi người. Cách tích cực, Giáo hội đã có những đóng góp đáng kể cho những vấn đề mà khoa học đặt ra liên quan đến sự sống con người như việc phá thai, thụ thai nhân tạo, vấn đề ưu sinh và chết êm dịu,…

Những văn kiện của Bộ Giáo Lý Đức Tin:

+ Tuyên ngôn về việc phá thai (18/11/1974)

+ Tuyên ngôn về chết êm dịu (5/5/1980)

+ Huấn thị Donum Vitae (22/02/1987) về việc tôn trọng sự sống mới chớm nở về phẩm giá con người trong việc truyền sinh.

+ Sách Giáo Lý Công Giáo cũng dành nhiều đoạn cho những vấn đề luân lý sự sống, chẳng hạn: Việc phá thai, khám thai, thử nghiệm trên bào thai, việc chết êm dịu,…

Tháng 11 năm 1994, Hội Đồng Toà Thánh đặc trách mục vụ cho các nhân viên Y tế đã đề xuất bản văn kiện mang tựa đề: “Hiến chương các nhân viên y tế” nhằm trình bày cách mạch lạc và rõ ràng giáo huấn của Giáo hội trong lãnh vực đạo đức sinh học.

Giáo hội luôn bênh vực sự sống con người và chống lại mọi lạm dụng, mọi xúc phạm đến sự sống đó. Sự sống con người mang tính cách thiêng liêng vì được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài. “Chỉ có Thiên Chúa là chủ sự sống từ đầu đến cuối. Không ai, trong bất cứ trường hợp nào, lại có thể dành lấy cho mình quyền trực tiếp huỷ hoại một con người vô tội”.

Trong số 11 của Tuyên ngôn về việc cố ý phá thai, ban hành ngày 18/11/1974, Thánh bộ giáo lý đức tin đã khẳng định: “Quyền căn bản của một cá vị người chính là quyền sống. Mỗi cá vị người đều được hưởng nhiều quyền lợi, trong đó quyền lợi nền tảng và là điều kiện cho tất cả các quyền lợi khác đó chính là quyền sống. Quyền này không được thiết lập và có được do người khác ban cho; nó cần phải được mọi người nhìn nhận và từ chối quyền đó quả là một điều bất công”. Truyền thống của Giáo hội xưa nay vẫn coi việc tôn trọng, bảo vệ và cải thiện sự sống con người là một bổn phận, một đòi buộc cần phải tuân giữ nghiêm chỉnh.

Nói chung, mọi người và nhất là các tôn giáo trên thế giới, đều chấp nhận nguyên tắc tôn trọng sự sống con người. Nguyên tắc này thường được biểu thị dưới những hình thức tiêu cực như: “Không được giết người hay chớ giết người hoặc cấm giết người”. Tuy nhiên, qua dòng lịch sử, nguyên tắc này rất thường bị vi phạm. Để giúp tuân giữ nguyên tắc này, có nhiều lý thuyết khác nhau nhằm giải thích lý do tại sao phải tôn trọng sự sống con người. Ngoài ra, còn có những cách giải thích cho thấy trong trường hợp nào người ta có thể hy sinh sự sống đó.

Ai trong chúng ta cũng công nhận rằng sự sống thể lý của thân xác con người, không phải là một cái gì đó ở bên ngoài ngôi vị, nhưng là chính ngôi vị, nhìn dưới khiá cạnh xác thể “Tôi là xác tôi”. Tôn trọng sự sống thể xác của chính mình hay của người khác là tôn trọng chính những nhân vị vậy.

Một số tôn giáo chủ trương rằng phải tôn trọng sự sống con người và thánh thiêng của nó. Từ thánh thiêng ở đây nói lên một sự vật, một nơi, một con người được dành riêng cho thần minh, thuộc về thế giới thần linh, nên bất khả xâm phạm và không ai có thể đụng chạm tới được. Theo các tôn giáo cổ xưa, thì các thần linh thường cư ngụ trong các đền thờ, nơi mà các thần linh tiếp xúc với con người qua trung gian của các tư tế. Đền thờ là nơi thánh vì là nơi có các thần hiện diện, những người thường không ai được bén mảng đến, không ai được xâm phạm. Với Kitô giáo, mỗi con người được coi là đền thờ của Chúa Thánh Thần, là nơi cư ngụ của Thiên Chúa ba Ngôi, là nơi dành riêng cho Thiên Chúa tỏ lộ quyền năng sáng tạo và giống như Thiên Chúa, điều đó muốn nói con người được chính Thiên Chúa dựng nên. Sự sống con người không do con người tạo ra, không thuộc quyền sở hữu của con người, nhưng đến từ Thiên Chúa và chính Thiên Chúa đã ban sự sống đó cho con người, chính Thiên Chúa mới thật sự là chủ của sự sống. Vì con người không thực sự là chủ của sự sống mình nên con người có bổn phận phải tôn trọng sự sống mà mình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, một sự tôn trọng vô điều kiện: “Sự sống của con người là thánh thiêng bởi vì ngay từ nguồn gốc, nó bao hàm hành động sáng tạo của Thiên Chúa và mãi mãi nằm trong một mối quan hệ đặc biệt với Đấng tạo hoá, cứu cánh duy nhất của nó. Duy chỉ Thiên Chúa là chủ sự sống từ khi nó bắt đầu cho đến lúc nó kết thúc: không ai, trong bất cứ trường hợp nào có thể đòi cho mình quyền trực tiếp huỷ diệt một con người vô tội”.

Con người là xác và hồn, là xác và tinh thần. Nền tư tưởng hiện đại đã loại bỏ quan niệm nhị nguyên về con người và quan tâm đến việc giữ cho được tính duy nhất của nhân vị: xác và hồn không phải là hai thực tại được đặt kề cận bên nhau. Chúng nối kết với nhau cách mật thiết hơn nhiều. Sự kết hợp của chúng nằm trong lĩnh vực cấu tạo. Hồn và xác là hai yếu tố đã được kêu gọi để kết hợp với nhau hầu tạo ra tính duy nhất của con người. Một hữu thể người luôn là một đơn vị thống nhất cho dù nó được tạo nên bởi nhiều thành tố khác nhau. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ sinh học, thể xác con người luôn bị các định luật vật chất và đặc biệt là cái chết chế ngự. Khi chết, thể xác con người chỉ còn là một tử thi, không còn là một thân xác con người nữa, dù vẫn còn vóc dáng bên ngoài, nhưng đó chỉ là một tập hợp gồm các yếu tố lý hoá đã được cấu tạo theo tính sinh học đang bị ly tán, mất tính duy nhất, bị phân giải sang dạng khác và cuối cùng là hư nát đi. Nếu chỉ nhìn dưới khía cạnh sinh học, người ta dễ có cảm tưởng, dễ coi sự sống con người như là những hoạt động của tế bào nằm trong một tổng thể và biểu lộ bằng những hiện tượng vật lý, sinh lý, hoá học, tâm lý,… có thể kiểm tra được. Những nghiên cứu của khoa sinh học ngày nay cho thấy rằng sự sống của con người là do sự kết hợp của tinh trùng và noãn sào tạo thành trứng. Từ ngày thứ 17 trở đi trứng mới thực sự là phôi, còn trước đó là thời kỳ gọi là tiền phôi. Tuy nhiên, hình thành trứng tức là hình thành con người rồi vậy. Do đó, nếu làm hư trứng, hại đến phôi là giết người rồi. Hiểu như vậy thì rõ ràng phá thai là đi ngược lại với nguyên tắc tôn trọng sự sống. Bảo vệ sự sống con người là bổn phận của hết mọi người và nhất là bổn của người thầy thuốc. Đặc biệt trong Y Đức Đông Phương, các thầy thuốc chủ trương tìm và bảo vệ sự sống cho đến hơi thở cuối cùng của bệnh nhân, kể cả hơi thở được duy trì bằng máy thở nhân tạo. Chỉ cần một dấu hiệu của sự sống dù rằng rất mong manh là phải tiếp tục tranh đấu đến cùng. Celse chủ trương không đụng đến bệnh nhân mà mình biết chắc rằng không thể điều trị hoặc cứu được nữa, để khỏi bị mang tiếng là kẻ giết người sắp chết. Tới thế kỷ XII, trường phái y học Salerme cũng chủ trương như thế. Chủ trương này bị nhiều người lên án. Hải Thượng Lãnh Ông cương quyết lên án chủ trương này khi khẳng định cách mạnh rằng từ chối điều trị một bệnh hiểm nghèo chỉ vì sợ mất danh tiếng thì không xứng đáng mang danh thầy thuốc. Do đó, khi sự sống bị đe doạ, người thầy thuốc có bổn phận phải cố hết sức để bảo vệ nó. Còn nước còn tát chứ không được tìm cách trốn tránh. Bảo vệ đời sống bệnh nhân còn có nghĩa là kính trọng nó, ví nó có tính cách bất khả xâm phạm. Không thể nhân danh khoa học hay quyền lợi của xã hội hoặc của loài người mà hy sinh sự sống của một con người như một vật tế thần.

Một ảnh hưởng khác liên quan không nhỏ đến sự sống con người đó là quan niệm về cái gọi là Phẩm chất đời sống. Con người ngày nay đặc biệt quan tâm đến cái phẩm hơn là cái lượng, ngay cả trong lãnh vực sự sống. Chính vì thế, ngoài những lo toan cho việc phát triển kinh tế, con người cũng đã đầu tư nhiều vào việc phát triển hoa học và những phương tiện kỹ thuật nhằm giúp cho phẩm chất đời sống con người ngày một nâng cao hơn. Đặc biệt trong lãnh vực y học, những nghiên cứu, phát minh không ngừng gia tăng giúp cho con người ngày nay tránh được và chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo, cũng như giúp giúp cho việc bảo vệ sức khoẻ, chống các bệnh tật ngày một hữu hiệu hơn. Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, những phát minh mới trong lãnh vực kinh tế đã tạo ra cho con người nhiều tiện nghi, nhờ đó cuộc sống con người ngày một thoải mái hơn. Tuy nhiên, hạn từ phẩm chất ngày càng trở nên quá hàm hồ.

Có người hiểu phẩm chất theo nghĩa hoàn toàn duy vật để rồi tự tiện khai trừ những sự sống tật nguyền hoặc ngoài ý muốn. Những người này cho rằng những sự sống đó chính là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những sự sống đó, hoặc không có phẩm chất tốt hoặc không góp phần cho sản xuất. Những người chủ trương như thế đã lấy phẩm chất như thước đo, như tiêu chuẩn để loại trừ những gì bị coi là cản trở.

Có người hiểu phẩm chất theo nghĩa là sự thăng tiến không ngừng những điều kiện sống để cuộc đời được thoải mái, sung sướng hơn; người khác lại hiểu phẩm chất theo chiều kích tinh thần qua đó cuộc sống con người khác biệt và cao hơn sự sống của loài thực vật và động vật.

Như vậy, để sự sống con người được phát triển tốt đẹp, hài hoà, ta không chỉ quan tâm lo lắng cho thân xác không mà thôi, nhưng còn phải lo về cả tinh thần và cả về mặt xã hội nữa. Ngoài ra, còn phải quan tâm đến những tổ chức, những sinh hoạt thuộc lĩnh vực kinh tế, an ninh, giáo dục, văn hoá và cả môi trường nữa, nhờ chúng mà phẩm chất của sự sống con người ngày càng được nâng cao. Trong những năm gần đây, những tiến bộ của khoa học, nhất là trong lãnh vực sinh học, những nghiên cứu của sinh học trên con người, trên thai, trên phôi cũng như phẫu thuật trên nhiễm sắc thể hay gen đã có nhiều lạm dụng. Những lạm dụng gây hại cho sự sống con người đang đặt ra cho đạo đức sinh học nhiều vấn đề và từ đó khiến ta phải suy nghĩ “Sự sống con người là gì? Thế nào là một đời sống có chất lượng? Sống thế nào cho ra sống? Sự can thiệp của bàn tay con người vào sự sống nên dừng lại ở đâu?

Vinhsơn Nguyễn Phước Thiện, OP.

nguồn: catechesis.net

Check Also

Sứ điệp Ngày Quốc gia vì Sự sống lần thứ 45 của Hội đồng Giám mục Ý

Ngày Quốc gia vì Sự sống lần thứ 45 ở Ý sẽ được cử hành …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.