Sự việc gần 15 năm về trước không nguôi ngoai mà càng ngày càng ám ảnh, bám riết chị Nhung, cô nữ sinh từng là hoa khôi thời học phổ thông.
Chị Nhung (tên nhân vật được thay đổi), 31 tuổi, đang sống ở TPHCM lần đầu kể lại bí mật đau lòng của mình trong một nhóm kín dành cho những người đang tìm cách chữa lành thương tổn.
“Không để làm gì cả, tôi chỉ muốn được nói ra điều mà tôi từng không dám nghĩ đến, nhớ đến, điều mà tôi luôn cố gạt ra khỏi đầu mình nhưng càng trốn chạy, việc đó càng hiện về rõ mồn một”, chị nói.
Chị Nhung đã có gia đình, hiện là mẹ của cô con gái 4 tuổi cùng người chồng luôn yêu thương. Nhưng, chị không thể có một cuộc sống vui vẻ bình thường vì ám ảnh về sự việc xảy ra trong quá khứ.
Năm 16 tuổi, là hoa khôi của trường, chị có thai với bạn trai, cũng là mối tình đầu, lớn hơn hai tuổi. Đến khi cái thai trong bụng đã rất lớn, bước sang tháng thứ 5, thứ 6 chính chị Nhung mới biết mình có bầu.
Khi biết tin, anh bạn trai không chạy trốn, hứa sẽ về nói với gia đình để bàn chuyện… nhận vợ, nhận con rồi cưới hỏi sau. Nhung siết bụng, mặc áo khoác rộng để che cái thai ngày càng lớn trong khi chờ đợi thông tin từ bạn trai. Sau đó thông tin cô nhận được là một cái lắc đầu, bố mẹ bạn trai không chấp nhận.
Mối tình của họ chấm hết vào lúc cái thai trong bụng Nhung đã bước sang tháng thứ 8. Đến lúc này, cô nữ sinh đành phải thú nhận với bố mẹ. Mọi thứ thiếu nữ nhận được cho sai lầm của mình là những lời chất vấn, chửi rủa, đánh đập.
Mọi sự lúc đó cô con gái mới lớn phải theo sự sắp đặt của mẹ. Mẹ chị đưa con gái đến gặp một bà lang ở làng bên, từng phá thai cho rất nhiều người. Chị Nhung được cho uống một loại thuốc có màu giống thuốc bắc để thúc sinh. Sau một vài thủ thuật thủ công, thai nhi được đưa ra ngoài. Đến giờ chị cũng không biết, thi thể của em bé được xử lý như thế nào.
Phá thai lớn khi còn rất trẻ, may mắn lớn nhất với chị Nhung là không “dính” biến chứng. Trưởng thành, chị lập gia đình, sinh con… Chồng chị không rõ và cũng không câu nệ chuyện quá khứ của vợ. Nhưng, từ ngày chị lấy chồng, sinh con, những ám ảnh quá khứ trở về với chị càng dữ dội.
Nhiều năm nay, mỗi đêm, cứ đặt lưng xuống giường là cảnh phá thai ngày trước lại hiện ra trước mắt. Tiếp đó, chị luôn nghe tiếng trẻ khóc thét, cầu cứu.
Không chỉ ban đêm, kể cả ban ngày, nhiều lần chị cũng giật mình, sợ hãi bởi tiếng trẻ con khóc vang trong đầu. Có những lần, chị phải vào nhà vệ sinh ở công ty, xả nước thật mạnh, liên tục để mong át đi tiếng khóc cứ văng vẳng…
Sức khỏe ngày càng yếu, tinh thần suy sụp, cách đây hai năm chị Nhung nghỉ việc. Chị mô tả cuộc sống hàng ngày của mình lúc này là sống trong nỗi giày vò, ám ảnh, day dứt, tội lỗi vì chính mình đã tước đi mạng sống của hài nhi.
Có khi chị tự tát vào mặt mình, cào cấu khắp cơ thể. Rồi đến lúc chị như điên dại, gào thét, thường xuyên khóc lóc trong đêm tối, không ít lần nghĩ đến cái chết…
Đã nhiều lần bố mẹ ở quê phải vào đón chị, đã hai lần đưa chị vào bệnh viện tâm thần điều trị nhưng chỉ được thời gian ngắn chị lại rơi vào tình trạng bất ổn.
“Phá thai không phải là hết mà chỉ là khởi đầu cho sự ám ảnh, dày vò, tội lỗi đeo bám”, chị Nhung nghẹn ngào.
Phá thai ở tuổi 16, chị Nhung chỉ là một trong hàng trăm ngàn ca phá thai mỗi năm tại Việt Nam. Mỗi năm, cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu là độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.
Theo kết quả nghiên cứu do UNFPA (Quỹ dân số Liên hợp quốc) thực hiện tại Việt Nam, khoảng 17,4% phụ nữ cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời. Số lần phá thai trung bình là 1,3 lần/phụ nữ.
Trong số những phụ nữ này, 73,1% đã từng phá thai một lần trong đời, 21,8% đã từng phá thai 2 lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất 3 lần trong đời.
Tuổi vị thành niên phá thai thường chỉ được cảnh báo về hậu quả tác động đến thể chất, những biến chứng, đặc biệt là hậu quả vô sinh. Nhưng hệ quả phá thai, hơn thế nữa, có thể phá hủy tinh thần người nữ trong tương lai, đó lại là vấn đề ít được quan tâm.
Nhiều bạn trẻ khi có thai ngoài ý muốn, chỉ nghĩ “bỏ đi là xong” mà không hình dung hết những tác động tâm lý về sau. Ngay cả những trường hợp phá thai vì thai nhi dị tật, sức khỏe bà mẹ có vấn đề… cũng thường để lại những ám ảnh tâm lý.
Trong những lần truyền thông về sức khỏe sinh sản cho giới trẻ, bác sĩ Đặng Phi Yến luôn nhấn mạnh, phá thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà đặc biệt phải chú ý vấn đề tác động của nó đến tinh thần người nữ.
Không chỉ là trầm cảm sau sinh, nhiều phụ nữ sau phá thai rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý với cảm giác tội lỗi, giày vò… Họ cần được hỗ trợ, thậm chí phải được điều trị tâm lý.
Hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên của Bộ Y tế cảnh báo: “Những ảnh hưởng tâm lý sau phá thai ở tuổi vị thành niên có thể nặng nề và kéo dài”.
Điều này cần những chính sách hiệu quả về kế hoạch hóa gia đình, về phòng tránh thai hiệu quả… Với các bạn trẻ, những kiến thức, kỹ năng cần trang bị là việc giữ gìn trước hôn nhân, biết bảo vệ bản thân cũng như phải có sự cân nhắc, chuẩn bị về tinh thần nếu mang thai.
Theo Báo Dân Trí.