Có một câu chuyện thế này: Gia đình kia có một người con trai đi lính, một hôm, cậu gọi điện về báo tin cho gia đình rằng cậu sắp được xuất ngũ và chuẩn bị về đoàn tụ. Cha mẹ cậu vô cùng vui sướng chuẩn bị đón cậu trở về, họ trang hoàng lại nhà cửa, trang trí cả căn phòng của cậu thật đẹp.
Trước ngày trọng đại ấy ba hôm, cậu lại gọi điện thoại cho cha mẹ: “Thưa cha, con rất muốn về với gia đình mình…” Nhưng cha cậu ngắt lời: “Có chuyện gì thế con ?” Người con thưa: “Trước khi con về nhà, cha có thể cho con một đặc ân được không ?” – “Cứ nói cha nghe, cha mẹ rất yêu con…”
Anh con trai bộc bạch: “Dạ thưa, con có một đồng đội rất thân, cùng xuất ngũ với con, anh ấy không có gia đình, con muốn mời anh ấy về ở cùng với gia đình mình có được không cha ?” Người cha ôn tồn bảo: “Được thôi con ạ, không có vấn đề gì đâu…” Người con rụt rè nói thêm: “Cám ơn cha… Nhưng… anh ấy bị mất một cánh tay, cha ạ !” – “Thật thế sao ? Để xem nào… thôi… thì cũng được !”
Đến đây thì anh con trai lại nài nỉ thêm: “Không những thế, anh ấy còn cụt hết cả hai chân nữa, cha ơi…” Cha cậu ậm ừ: “Vậy thì rắc rối đấy, mình sẽ phải rất vất vả với cậu ta. Nhưng sao con lại muốn mời anh ấy về nhà mình ? Con có thấy là như vậy, con và cả gia đình sẽ phải hầu hạ anh ta nhiều việc sao ?” Người con nói với giọng nghẹn ngào: “Chưa hết đâu cha ạ, cậu ấy còn mù cả hai mắt nữa, Nhưng con với cậu ấy thân thiết như ruột thịt vậy…” Nghe thế, người cha nói ngay: “Vậy thì không được rồi con ạ. Cậu ấy sẽ là vấn đề phiền phức rất lớn cho gia đình mình. Dứt khoát là không được rồi. Con hãy về đây, còn cậu ấy sẽ có chính phủ lo, đừng bận tâm đến điều ấy nữa con ạ. Quên cậu ấy đi !”
Cuộc nói chuyện giữa hai cha con kết thúc, ba ngày sau, gia đình chờ mãi mà vẫn chưa thấy người lính ấy về nhà, sáng sớm ngày thứ tư, Cảnh sát thông báo cho gia đình rằng con trai họ đã tự tử chết trong một khách sạn gần nhà và yêu cầu họ đến để nhận diện thi thể. Họ vội vàng đến đó trong đau thương, khi đến nơi, chiếc khăn liệm trắng được mở ra. Họ bàng hoàng chứng kiến con trai họ nằm đó, một phế binh cụt cả hai chân, cụt tay và đôi mắt mù trống rỗng !
Một câu chuyện không biết là có thật hay hư cấu. Đôi lúc giật mình nghĩ lại, sao thấy mình đôi khi cũng giống giống người cha kia. Cứ nghĩ rằng đó là yêu thương, hóa ra không phải, khi đối diện với hậu quả, lúc ấy đã muộn màng. Phải xem lại mình, tự vấn lại mình để… HỌC CÁCH YÊU THƯƠNG
YÊU THƯƠNG, một điều nghe cỏ vẻ như rất tự nhiên, rất dễ dàng, đặc biệt là cha mẹ yêu thương con cái, nhưng sự đời thường lại là những con đường rắc rối, phải chăng, trên con đường ấy, những bậc làm cha mẹ cũng thường vấp ngã, lạc lối, sai lầm để rồi đến cuối chặng đường, tình yêu bị đánh rơi lúc nào chẳng biết, chỉ còn lại bên mình là sự ích kỷ nhỏ nhen. Kết quả là thay vì nhận được yêu thương, con cái chúng ta lại lãnh đủ hậu quả đáng tiếc.
Nhìn lại quanh ta, có lẽ không thiếu những câu chuyện như trên, nhưng với trăm ngàn dáng vẻ và tình tiết khác nhau, Một người cha nhẫn tâm tưới xăng đốt đôi chân con ruột đến tàn tật, một người cha khác bạo hành bằng đòn roi, bắt con phải ăn phân người, một người mẹ xích con mình lại như một con thú nơi công cộng, người mẹ khác lại rao bán cả trinh tiết của con gái…
Đó là chiều kích bạo hành đáng phải lên án, nhưng với một chiều kích khác, nhiều bậc cha mẹ nuông chiều tới mức sẵn sàng bỏ tiền ra cung phụng cho cậu ấm cô chiêu phung phí ăn tiêu, chơi bời, nghiện hút. Lắm khi còn có những kiểu nuông chiều thái quá, đôi khi còn kiêu hãnh trước hành vi ngang ngược, hung tợn của con cái mình… Kiểu nào họ cũng có cách biện hộ, người bảo rằng: “Thương thì cho roi cho vọt”, kẻ lại nói: “Thấy nó thiếu thốn không sao chịu nổi…”
Thê thảm hơn, tôi muốn nói đến thảm kịch nạo phá thai, mẹ giết con ngay từ trong cung lòng mình với cả ngàn cách ngụy biện khác nhau. Chẳng ai chịu cho rằng mình không yêu thương con cái cả, thậm chí nạo phá thai được cho là vì nhân đạo: cha mẹ làm ăn đang thất bát, lương thấp, sinh ra con mình sẽ khổ, con bị dị tật thế này sẽ rất khổ cho nó… Thôi chấm dứt sự sống của con cho nó bớt khổ…
Đây là một thực tế cay đắng mà xã hội và con người Việt Nam đang gồng mình gánh chịu, hệ quả của những rối rắm sai lầm ngay trong nhận thức của học thuyết vô thần, quả báo đau thương của một tình trạng phát triển kinh tế bất bình thường, khiến cho nhiều bậc cha mẹ phải nhắm mắt lao theo đồng tiền… Cha mẹ quên đi rằng con cái mình mới thật sự là thứ tài sản quý giá nhất không gì có thể thay thế được. Thực chất của vấn đề có lẽ bắt nguồn từ việc: hao mòn tình yêu, chuyển dần sang óc vị kỷ, và kinh khủng hơn, nó tiếp tục biến thành tội ác !
Xét theo tự nhiên (ngoại trừ những loại cha mẹ không muốn có con do một khía cạnh bất hợp pháp nào đó, sự xuất hiện của thai nhi là điều họ không muốn có, nên chủ trương ngay từ đầu là nạo phá thai để che dấu hành vi phạm tội), thì có thể nói, bất kể ai trong đời sống hôn nhân gia đình cũng đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc được chào đón đứa con của mình ra đời. Còn hạnh phúc nào hơn khi được ôm ấp chính máu thịt, ngắm nhìn chính hình ảnh và nâng niu kết quả tình yêu của chính mình. Vì thế, sự yêu thương hết mực của cha mẹ dành cho con là điều rất hợp tự nhiên, hợp tình, hợp lý, tồn tại ngay từ khi khởi đầu sự hình thành của phôi thai em bé.
Khổ nỗi, trong cuộc sống, bộ mặt thật của thói ích kỷ nhiều khi được hóa trang bằng nhiều hình thức tưởng như cao đẹp lắm. Đặt kỳ vọng vào con cái mà không cần biết đến tâm tư, ý thích, khả năng của chúng là gì, cứ bắt chúng đi học thì phải hạng nhất cơ mới chịu, thua một ai đó là mắng nó té tát, điểm 9 rồi mà vẫn chưa hài lòng. Hay có người lại chỉ muốn làm cha mẹ của người mẫu, vận động viên… nên o ép con, bắt phải ăn thứ này, kiêng thứ kia, tập luyện đủ kiểu, chẳng để ý gì đến nguyện vọng của trẻ, luôn để cái tôi của mình to hơn cái tôi của trẻ, áp đặt ý chí của mình lên ý chí của con.
Cha mẹ kỳ vọng vào con quá đáng nên khi thất vọng là trút cả bực bội lên đầu con những lời đay nghiến v.v… Ác nghiệt hơn, nhiều người không muốn làm cha mẹ của những thai nhi xấu xí, dị tật, nên chỉ nghe qua lời tư vấn, đã vội vàng xin phá thai lập tức, chẳng cần biết đến công bằng, biết đến khát vọng được sống của chính con mình. Tình yêu không chấp nhận sự ích kỷ, tình yêu chỉ chấp nhận và đòi hỏi sự hy sinh, mà hy sinh cái tôi của mình lại là điều khó nhất.
Thế nên, ngỡ rằng yêu thương không cần phải học hỏi, không cần phải vun đắp bồi dưỡng từng ngày, nên nhiều hậu quả đáng tiếc vẫn cứ xảy ra làm chúng ta phải hối hận cho sự nông cạn của mình. Đức Giêsu đã dạy cho chúng ta rằng: “Yêu người phải như yêu chính bản thân mình vậy”. Chỉ có yêu như thế cha mẹ và con cái mới trở nên một mầu nhiệm trong Chúa Kitô. Cùng yêu thương, cùng tha thứ, cùng cảm thông, cùng vui, cùng buồn… và sẵn sàng hiến mạng sống mình vì nhau.
Đaminh PHAN VĂN DŨNG
Biên Hòa 10.2011
Theo báo EPHATA số 482