Khi tông du Gruzia, ĐTC Phanxicô nói: ‘Lý thuyết về giới tính’ là kẻ thù lớn của hôn nhân

BVSS (3.10.2016) – Vào ngày thứ hai trong chuyến thăm ba ngày đến Gruzia và Azerbaijan, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi nói chuyện với các linh mục, chủng sinh, tu sĩ và nhân viên mục vụ tại Nhà thờ giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời ở thủ đô Tbilisi (Gruzia), sau khi cử hành Thánh Lễ cho giáo dân Công Giáo thiểu số của đất nước này.

tbilisi

Chuyến viếng thăm Gruzia và Azerbaijan từ ngày 30 tháng 9 đến 2 tháng 10 chủ yếu tập trung vào chủ đề hòa bình và đối thoại liên tôn. Đây được xem là chuyến đi kết thúc hành trình đến vùng Caucasus của ngài, sau chuyến đi Armenia hồi tháng 6 vừa qua.

Trong bài nói chuyện ứng khẩu khá dài tại Gruzia (còn gọi là Georgia), Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định rằng thế giới ngày nay đang có cuộc chiến tranh với hôn nhân và ngài mời gọi các cặp vợ chồng hãy chiến đấu chống lại các mối đe dọa cho hôn nhân hiện nay.

Ngỏ lời với Chị Irina – một người vợ và mẹ ở Gruzia đã lên chia sẻ chứng từ trước mặt ngài cùng hàng trăm linh mục, chủng sinh và tu sĩ – Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chị đã đề cập đến một kẻ thù lớn của hôn nhân ngày nay: đó là Lý thuyết về giới tính* (gender theory)”.

“Ngày nay, cả thế giới đang có cuộc chiến mưu toan phá hủy hôn nhân”, ngài lưu ý rằng cuộc chiến này không có vũ khí “nhưng bằng những hệ tư tưởng”.

“Chắc chắn là đang có những tư tưởng phá hoại hôn nhân. Vì vậy, chúng ta cần phải bảo vệ chính mình trước những tư tưởng thực dân xâm lấn đó”, ngài nói.

Trong lời chia sẻ của mình, Chị Irina nói với Đức Thánh Cha về những thách đố trong đời sống hôn nhân gia đình ở Gruzia, chẳng hạn như việc đi tìm các trường học Kitô giáo tốt cho con cái, sự lo lắng của các bậc cha mẹ đối với các tình huống đói nghèo, và một thực tại là việc ly hôn thường được xem là cách để giải quyết những khó khăn trong gia đình.

Chị kể, việc ly hôn thường dễ dàng xảy ra hơn trong các Giáo Hội Chính Thống giáo, và điều này làm ảnh hưởng đến những gia đình Công giáo. Chị cũng đề cập đến những áp lực ngày càng gia tăng trong việc chấp nhận đồng tính luyến ái và lý thuyết về giới tính, cũng như gia đình đang bị “gạt qua bên lề” trong nhãn quan Kitô giáo.

Tuy nhiên, khi nói về Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) của Đức Thánh Cha Phanxicô, Chị Irina cho biết là rất vui khi Đức Thánh Cha quyết định sử dụng từ “niềm vui” để đề cập đến khái niệm về gia đình, và chị bày tỏ ao ước được tái khám phá rằng hôn nhân là một bí tích để truyền giáo, cũng như là một nguồn lực chứng nhân của Giáo Hội.

Ngoài Chị Irina, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lắng nghe lời chia sẻ chứng từ của ba người khác, trong đó có một linh mục người Armenia đang phục vụ cộng đoàn Công Giáo Armenia ở Gruzia, một chủng sinh người Gruzia và một bạn trẻ đại diện cho giới trẻ.

Trong bài phát biểu ứng khẩu của mình, Đức Thánh Cha nhiều lần nhắc lại về những lời mà ngài đã từng nói trước đây rằng: công thức cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc có thể được tóm gọn trong ba từ: “xin phép”, “cảm ơn” và “xin lỗi”.

Đức Thánh Cha giải thích: “Hôn nhân là điều tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa đã tạo ra”, vì người nam và người nữ được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, “nên cả hai người phải trở nên một như hình ảnh mà chính Ngài đã tỏ bày”.

“Tôi hiểu hoàn cảnh khi anh chị em nói về những khó khăn, cám dỗ ập đến trong gia đình mà phải giải quyết mọi chuyện bằng con đường ly hôn”, nhưng khi việc ly hôn xảy ra, “cả hai người đều phải trả giá”, ngài nói.

“Bởi vì Thiên Chúa là Đấng đã làm cho họ nên một, và khi họ ly hôn thì họ đã làm vấy bẩn điều mà Thiên Chúa đã thực hiện, và ngay cả con cái cũng phải trả giá cho việc chia ly này”.

“Anh chị em đâu có biết con cái phải chịu đựng nhiều như thế nào khi chúng nhìn thấy cha mẹ của mình gây gỗ và chia tay”, Đức Thánh Cha giải thích rằng “một khi mà những chuyện phức tạp còn tồn tại, anh chị em phải làm mọi thứ để cứu lấy cuộc hôn nhân”.

Nếu ma quỷ đến cám dỗ vợ chồng, cố tình làm cho người chồng lung lay bằng cách đưa đến một người phụ nữ có vẻ hấp dẫn hơn, hoặc làm cho người vợ ngã lòng với một người đàn ông có vẻ tốt hơn chồng mình, thì anh chị em hãy “ngay lập tức đi tìm sự giúp đỡ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Hãy đi tìm sự giúp đỡ ngay lập tức khi những cám dỗ này ập đến”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về vai trò quan trọng của người mẹ và người bà trong việc loan truyền đức tin và giữ cho nó “kiên vững”.

Đức Thánh Cha đề cập đến vai trò quan trọng của Đức Maria và Giáo Hội như là người mẹ hiền, và đã là người mẹ thì Giáo Hội luôn rộng mở chứ không “thu khép mình lại”.

Ngài nói: “Có hai người phụ nữ mà Chúa Giêsu muốn gửi đến cho tất cả chúng ta: đó là Mẹ của Ngài và Hiền thê của Ngài. Cả hai vị đều giống nhau. Mẹ của Chúa Giêsu cũng là Mẹ của chúng ta, Giáo Hội là Hiền thê của Chúa Giêsu thì Giáo Hội cũng là mẹ của chúng ta”.

Qua Mẹ Maria và Giáo Hội, chúng ta có một con đường vững chắc để tiến về phía trước, “nơi đó người ta lại tìm thấy người phụ nữ. Có vẻ như Thiên Chúa có một sở thích, và sở thích của Ngài là mang đến đức tin để tiến lên phía trước thông qua người phụ nữ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài nói chuyện của mình bằng lời cầu nguyện: “Xin Chúa làm cho mỗi người nam, người nữ trong Giáo Hội được kiên vững trong đức tin đã được đón nhận từ người mẹ và người bà của chúng ta, đức tin kiên vững đó chắc chắn được chở che dưới tấm áo choàng của Mẹ Thiên Chúa”. Sau đó, ngài xướng Kinh Kính Mừng.

Buổi gặp gỡ kết thúc bằng việc đọc Kinh Lạy Cha và lời chúc lành của Đức Thánh Cha. Rời giáo xứ đó, Đức Thánh Cha đi thăm một trung tâm y tế và phục hồi chức năng của Dòng Thánh Camillus. (CNA)

Thế Vinh

*Lý thuyết về giới tính (hay Lý thuyết về giống) là một thuyết kỳ lạ về giới tính. Nó xuất hiện tại Hoa Kỳ trong thập niên 70 của thế kỷ trước, dưới ảnh hưởng của những nhà tư tưởng Pháp như Michel Foucault và Jacques Derrida, và đã được sử dụng như công cụ ý thức hệ cho một phong trào đấu tranh quá khích cho nữ quyền. Thuyết này phủ nhận sự khác biệt giới tính “tự nhiên” giữa nam và nữ… Xin xem đầy đủ khái niệm này từ wesbite Hội đồng Giám mục Việt Nam tại: http://hdgmvietnam.org/ly-thuyet-ve-giong-gender-theory-mot-hoc-thuyet-ky-la-ve-gioi-tinh/3907.54.11.aspx

Nguồn: ubmvgiadinh

Check Also

Nếu thai nhi bị dị tật có được phá không?

Quả thật xét theo tâm lý bình thường của con người, cha mẹ nào lại …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.