Làm thế nào để an ủi một người bạn đã phá thai

Bài viết của dự án Hy Vọng Hậu Phá Thai (Hope After Abortion), kèm theo chú thích của người dịch về nơi có thể giúp đỡ phụ nữ hậu phá thai tại Việt Nam.

I. Câu chuyện của Andie:

“Có một đêm, người bạn thân nhất của tôi hồi còn học trung học đã gọi cho tôi và khóc nức nở. Tôi đã không gặp cô ấy kể từ khi chúng tôi lên đại học. Cô ấy nói với tôi rằng cô ấy đã mang thai vào năm học đầu tiên, và sau khi nghe lời bạn trai thuyết phục, cô đã bỏ thai. Đáng ra con cô đã được chào đời vào đêm cô gọi cho tôi. Bạn trai cô đã chia tay cô vài tháng trước vì cô “Không còn đem lại niềm vui cho anh ta nữa”. Tôi có thể nói gì đây? Tôi không biết làm thế nào cả. Cả hai chúng tôi đều từng ủng hộ sự sống thai nhi trước khi lên đại học.

Tôi đã nghĩ tôi có thể giúp cô ấy bình tĩnh lại bằng cách nói “Đừng lo lắng. Mày đã làm điều đúng đắn.” “Mày có thể làm điều gì khác cơ chứ? Đó đã là sự lựa chọn tốt nhất rồi.” Tôi bảo cô ấy hãy cố gắng vượt qua và nghĩ về tương lai của cô. Và tôi nghĩ cô ấy chỉ đang bi kịch hóa khi cô nói rằng cô không còn tương lai nữa. Nhưng tôi vài ngày sau đó mới biết rằng, cô ấy đã cố gắng tự sát. Tôi cứ ước mình đã nói điều gì đó có thể giúp ích cho cô ấy thay vì khiến cô ấy cảm thấy cô đơn hơn.”

Hầu như mọi người đều biết một ai đó đã từng phá thai và nhiều người còn có mối quan hệ thân thiết với những cá nhân đau khổ vì từng phá thai. Nếu ngày mai một người bạn tâm sự với bạn rằng cô ấy đã phá thai, liệu bạn có thể giúp cô ấy tiến gần hơn tới sự chữa lành không?

Bạn có thể tránh sai lầm của Andie, và giúp bạn của bạn có niềm tin trở lại vào tương lai của cô ấy hậu phá thai.

Nếu đây là lần đầu tiên bạn của bạn nói với bạn về việc cô ấy phá thai, cô ấy có thể sợ rằng bạn sẽ chỉ trích hoặc kể chuyện cho người khác. Cô ấy phải biết rằng bạn là một người bạn thực sự quan tâm đến cô ấy, và bạn không phán xét cô ấy.

Trước khi nói chuyện với cô ấy, hãy nhớ: Cô ấy đang cần gì?

– Ai đó chịu lắng nghe cô?

– Một bờ vai để dựa vào?

– Một bác sỹ tư vấn tâm lý?

– Một linh mục hay mục sư?

– Hay thậm chí cô ấy đang khủng hoảng và bạn cần phải can thiệp trực tiếp?

II. Lắng nghe bằng cả trái tim:

Bắt đầu bằng cách lắng nghe. Hãy để cô ấy nói hết câu chuyện mà không ngắt lời cô ấy. Bạn không cần phải hiểu mọi chi tiết. Điều quan trọng là cô ấy phải trút bỏ được phần nào gánh nặng tâm lý mà cô ấy đang mang và không còn cảm thấy cô đơn nữa.

Cô ấy có thể nói về:

– Chuyện đã xảy ra ở phòng khám

– Cảm giác thịnh nộ và tức giận — với bạn trai, cha mẹ

– Nhân viên phòng khám, Thiên Chúa, bản thân cô

– Cảm giác tội lỗi, hối hận, trầm cảm, chìm trong ác mộng

– Việc sử dụng rượu hoặc ma túy để cố gắng quên chuyện đã xảy ra

– Ý nghĩ tự tử

– Nỗi đau không thể chịu đựng nổi về mặt tâm lý

– Cảm giác xa lánh bạn trai, gia đình và bạn bè của cô ấy

– Cảm giác rằng cô không xứng đáng được yêu thương hoặc được tha thứ.

III. Đảm bảo với cô ấy rằng bạn vẫn sẽ yêu và ủng hộ cô ấy

Cho dù bạn muốn làm cho mọi đau khổ của cô ấy biến mất bằng những từ ngữ phù hợp, thì nỗi đau và sự mất mát của cô ấy sẽ không biến mất sau một cuộc trò chuyện. Đảm bảo với cô ấy rằng hai người vẫn sẽ là bạn. Nói với cô ấy rằng bạn sẽ ở đó vì cô ấy và giúp cô ấy tìm cách chữa lành.

IV. Những nơi có thể trợ giúp cô ấy

Thử hỏi xem cô ấy đã bao giờ nghe nói về những dự án, tổ chức giúp đỡ những người gặp khó khăn hậu phá thai chưa. Có những nơi an toàn mà những người được đào tạo có thể giúp cô ấy vượt qua đau buồn, mất mát, và cho cô ấy hy vọng. Các bác sỹ tư vấn tâm lý, linh mục, và mục sư luôn sẵn sàng để giúp đỡ cô, cũng như các nhóm hỗ trợ và các buổi tĩnh tâm. Nếu cô ấy ở Mỹ, bạn có thể cung cấp cho cô ấy tên và số điện thoại của dự án Hope After Abortion tại địa phương, cũng như địa chỉ trang web: www.hopeafterabortion.org

Ngoài ra, cần hướng dẫn cho cô ấy hiểu về những vấn đề như phá thai và cần làm những việc tốt đẹp hơn thay vì dằn vặt bản thân mình. Có thể hướng cô ấy tới những công việc như bảo vệ sự sống hay cứu giúp các thai nhi có nguy cơ bị phá thai hoặc chia sẻ lại câu chuyện của mình cho các bạn trẻ, những người phụ nữ đang có ý định phá thai hoặc đã phá thai nhưng đang trong giai đoạn bị trầm cảm.

V. Chữa lành tinh thần:

Ngay cả một người phụ nữ không đi nhà thờ hoặc không theo đạo cũng có thể sợ rằng cô sẽ không được tha thứ vì đã phá thai. Cô ấy nên biết rằng Thiên Chúa yêu thương và tha thứ cho những người chịu đau khổ. Người muốn an ủi họ và cho họ sự bình yên.

Bạn có thể rủ người bạn của mình cùng đi nhà thờ, hoặc gợi ý cô ấy nói chuyện với một linh mục hoặc mục sư đã trải qua đào tạo để giúp đỡ những phụ nữ đau khổ khi tham gia phá thai. Bạn có thể tìm thấy một số đoạn Kinh Thánh và lời cầu nguyện liên quan đến tình yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa tại đây: https://hopeafterabortion.com/?page_id=45.

VI. Bắt đầu cuộc hành trình

Khuyến khích cô ấy liên hệ với một dự án Bảo Vệ Sự Sống để được giúp đỡ. Nhắc cô ấy rằng tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào.

Đảm bảo với cô ấy một lần nữa về việc bạn sẽ tiếp tục là bạn của cô ấy. Hứa ở bên cô, không chỉ trong hôm nay, mà còn trong tương lai. Cảm ơn cô ấy vì đã tin tưởng và có can đảm nói chuyện với bạn. Hành trình chữa lành của cô ấy đã bắt đầu.

VII. Giúp đỡ một người bạn đang đau khổ trong im lặng

Nếu bạn thấy một người bạn đang vật lộn với nỗi buồn và cảm xúc bất ổn và bạn nghĩ rằng phá thai có thể là nguyên nhân, bạn có biết cách gợi chuyện mà không hỏi thẳng rằng cô ấy đã bỏ thai hay không? Gợi ý: Vào một thời điểm và tại nơi thích hợp, bạn có thể nói điều gì đó như sau:

“Tôi đã tìm hiểu về những áp lực phá thai khủng khiếp mà phụ nữ phải đối mặt, và nỗi đau buồn, cô đơn mà họ phải chịu đựng hậu phá thai. Có một trang web nơi phụ nữ chia sẻ nỗi đau sau khi phá thai và hành trình chữa lành của họ. Và có những chương trình, ví dụ như Dự án Hope After Abortion, để giúp đỡ những phụ nữ đang vật lộn với các vấn đề tâm lý sau khi phá thai”.

———————————————-

LỜI CUỐI CỦA NGƯỜI DỊCH: Tại Việt Nam, mọi người có thể tìm kiếm sự giúp đỡ về tâm lý hậu phá thai tại:

– Website: https://bvss.nhathothaiha.net/

– Facebook: https://www.facebook.com/BaoVeSuSongHaNoi/

– Email:bvss.org@gmail.com

– Linh Mục Fx Nguyễn Kim Phùng qua điện thoại: 0383543310.

Theo Nguyễn Nhật An Phương- BVSS Thái Hà, Hà Nội phiên dịch.

Check Also

Anh chị đã phó thác vào Chúa và Chúa đã nhậm lời anh chị

Hôm trước đi lễ, mình nghe Cha kể lại câu chuyện Cha mới nghe từ …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.