Emmaus (19/04/2016) – Điều trị ARV giúp giảm đến 96% nguy cơ lây nhiễm HIV cho vợ/chồng trong 2 năm. Không ghi nhận ca lây nhiễm nào từ bệnh nhân đã khống chế tốt lượng virus trong máu.
Có vợ chồng nhiễm HIV/AIDS, có chắc chắn bị lây nhiễm? / HIV có lây qua đường muỗi đốt?
Nhiều bằng chứng cho thấy điều trị bằng thuốc ARV đạt mục tiêu khống chế tốt tải lượng virus trong máu, làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm. Nghiên cứu HPTN052 năm 2012 ghi nhận hiệu quả dự phòng của ARV giúp giảm khả năng lây nhiễm đến 96%. Mới đây nghiên cứu PARTNER cũng có kết luận tương tự, sau 2 năm theo dõi, không một ca lây nhiễm nào được ghi nhận từ bệnh nhân đã khống chế tốt tải lượng virus. Do vậy nhiều quan điểm cho rằng điều trị ARV là chìa khóa quan trọng trong dự phòng lây nhiễm HIV nói chung, ở các cặp đôi bất xứng nói riêng.
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (Post – exposure prophylaxis, PEP) có thể được áp dụng trong các trường hợp gặp “tai nạn ngoài ý muốn” khi quan hệ, chẳng hạn như rách hay tuột bao cao su, nhằm làm gia tăng tính an toàn. Hiệu quả dự phòng của điều trị PEP vào khoảng 80%, có thể cao hơn nếu sử dụng trong những giờ đầu. Hiệu quả giảm dần và được xem là không còn hiệu quả sau 72 giờ tính từ lúc phơi nhiễm. Dịch vụ điều trị này được cung cấp ở các cơ sở y tế chuyên khoa.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (Pre – exposure prophylaxis, PrEP) là một giải pháp làm tăng đáng kể hiệu quả dự phòng, với tỷ lệ thành công vào khoảng 92-96%. PrEP được biết đến là liệu pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho người âm tính bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc.
Lưu ý: Tất cả các biện pháp dự phòng trên đều nhằm mục đích hướng đến một đời sống tình dục viên mãn và an toàn cho người nhiễm cũng như các cặp đôi bất xứng. Tùy mức độ chấp nhận, mỗi cặp đôi có thể chọn một hay kết hợp các biện pháp kể trên. Không chỉ dừng lại ở mục đích đảm bảo đời sống tình dục, y học hiện đại còn hướng đến đảm bảo nhu cầu có con cho các cặp đôi bất xứng giúp nam giới nhiễm HIV vẫn có thể sinh con khỏe mạnh. Trong trường hợp người nhiễm là vợ, điều trị dự phòng mẹ sang con giúp làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ 35- 40% xuống dưới 2%.
Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, chuyên viên tư vấn Trung tâm Hành động vì người sống với HIV Việt Nam, người hỗ trợ cho bệnh nhân HIV đóng vai trò vô cùng quan trọng, được xem là cánh tay nối dài của ngành y tế. Trong những hoàn cảnh ngặt nghèo như bệnh nhân nhập viện hay nặng lên, vai trò chăm sóc của bạn tình âm tính là biểu hiện thăng hoa của tình yêu và là động lực giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn ấy.
Trong bối cảnh hiện nay, điều trị ARV được chỉ định sớm hơn và cho hiệu quả cao hơn, nhờ đó bệnh nhân ít khi lâm vào tình trạng nặng. Khi đó, vai trò chính của người hỗ trợ là giúp cho bệnh nhân tuân thủ tốt, nhắc uống thuốc đúng giờ, chuẩn bị thuốc, giúp giảm nhẹ các tác dụng phụ của thuốc. Để đạt được điều này, người hỗ trợ cần tìm hiểu kiến thức về chăm sóc và điều trị, trao đổi với bác sĩ, tham khảo từ các kênh thông tin chính thức để trang bị kiến thức hiệu quả.
Bên cạnh đó, bạn tình âm tính còn đóng vai trò giúp ổn định tâm lý cho bệnh nhân, là điểm tựa đem lại sự cân bằng khi họ đối diện với những bất ổn tâm lý như lo âu, buồn chán, thất vọng, căng thẳng vì sự kỳ thị và tự kỳ thị.
nguồn: vnexpress.net