Nơi ôm ắp giấc ngủ cho hàng vạn linh hồn bé bỏng

BVSSHN (01-02-2016) Tôi đến công viên nghĩa trang thai nhi giáo xứ Tây Hải (phường Hố Nai, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vào một buổi sáng tinh mơ. Nắng vàng trải khắp khoảng rộng không gian có nhiều cây xanh, hoa lá, ghế đá. Vậy mà, lòng lại nặng trịch bởi ám ảnh con số liệu mà bên Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đã công bố: Bình quân mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo thai, xếp cao nhất so với các nước Đông Nam Á và xếp thứ 5 so với thế giới.

Giả dụ nếu như không có các nghĩa trang chôn cất thai nhi đàng hoàng như thế này, thì hàng trăm ngàn bào thai kia sẽ bị “xử lý” như thế nào? Đem chôn (đất đâu mà chôn cho hết?) hoặc đem đốt theo quy trình bên ngành y tế (chắc chắn!) hoặc đem… vứt bỏ ngoài cánh đồng, bụi chuối, thùng rác, nhà vệ sinh (lâu lâu báo chí đăng tin ở nơi này nơi kia người dân phát hiện thai nhi còn nguyên cuốn rốn).

Một góc bình yên nơi nghĩa trang thai nhi giáo xứ Tây Hải (Hố Nai, TP Biên Hòa)
Một góc bình yên nơi nghĩa trang thai nhi giáo xứ Tây Hải (Hố Nai, TP Biên Hòa)

Vừa lúc ấy, chị Nguyễn Thị Căn, người quản trang của nhà thờ kịp đến để tiếp chuyện với tôi. Chị Căn cho biết, trong ngày thánh lễ của nhà thờ đưa hàng trăm thai nhi ra nghĩa trang tiến hành chôn cất trước buổi bình minh lên. Người nào được phân công nhiệm vụ cầm trên tay cái hòm bé bé xinh xinh chứa hình hài thai nhi sẽ cảm nhận rất rõ bàn tay mình… rung rinh.

Tay-Hai-2
Chị Nguyễn Thị Căn, người quản lý nghĩa trang

Sự rung rinh này có thể là nụ cười hài lòng lần cuối của thai nhi vô tội trước khi các em được nằm ngủ, một giấc ngủ bình yên ngàn năm bên cạnh bạn bè mình trong chiếc nôi, là các hầm mộ tập thể xây bằng đá rất đẹp.

Chị Căn kể cho tôi một câu chuyện đau lòng về một người mẹ, một bác sĩ sản khoa đã tự tay phá bỏ bào thai của con gái mình. Trong đời làm bác sĩ của của bà ta tại phòng khám tư nhân đã tự tay điều hòa, nạo hút khá nhiều ca, nhỏ có mà lớn cũng có.

Khi biết đứa con gái mình mới học lớp 9 “dính” bầu, sau phút hoảng loạn, giận dữ, bà bàn với chồng bí mật đưa con đến phòng khám và sẽ bà trực tiếp phá bào thai. Bao nhiêu kinh nghiệm suốt gần 30 năm làm nghề, bao nhiêu lý trí mới giúp bà ta đứng vững vào giờ phút ấy. Bà hít một hơi thật sâu, lau nước mắt, đeo găng tay, trấn tĩnh tiêm một liều thuốc vào đứa con gái cưng đang nằm yên trên bàn.

Tay-Hai-3
Linh mục Nguyễn Văn Tịch, chánh xứ nhà thờ Tây Hải người có ý tưởng xây dựng nên một khu nghĩa trang để chôn cất những thai nhi bị phá bỏ

Rồi cái thai lôi ra, thân thể tái nhợt, không còn nguyên vẹn hình hài, kết quả của mũi tiêm, nó đã chết vì ngạt. Quá đớn đau và sợ hãi, bà té nhào xuống nền nhà bất tỉnh. Từ đó, chưa đêm nào bà ngủ trọn giấc. Những cơn ác mộng hành hạ bà hằng đêm.

Bà thường mơ thấy một đứa bé khóc oe oe gọi: “Ngoại ơi, con chết rồi!”, cái miệng nhỏ xíu của đứa bé cắn vào tay bà bật máu. Bà đã phải trải qua nhiều cung bậc của tâm trạng như : giằng xé, đớn đau, ám ảnh, đến mức đôi lần bà đã đi tìm cái chết để giải thoát chính mình. Có nỗi đau nào hơn chính bàn tay bà đã giết chết cháu mình, khi nó gần 4 tháng tuổi, đã mang hình hài của một đứa bé con.

Tiếp tôi tại nhà thờ giáo xứ Tây Hải là vị linh mục (LM) Nguyễn Văn Tịch LM Nguyễn Văn Tịch bộc bạch cơ duyên đưa ông đến với các thai nhi và động lực để làm công việc chôn hài nhi đơn giản chỉ là niềm tin và lòng thương yêu con người : “Các thai nhi cũng là những phận người, phận người dễ bị tổn thương nhất vì các em thuần khiết nhất, thánh thiện nhất, yếu đuối vô phương tự vệ và nhất là có một linh hồn bất tử.

Vậy mà các em có khi lại trở nên thảm họa của xã hội văn minh chúng ta. Các em bị người đời vứt bỏ đi như rác thải sinh hoạt. Trong mọi trường hợp đó các em đã không có cơ hội cất lên tiếng nói, đau xé lòng mà không kêu lên được. Tôi thương những phận người này, quý trọng những mảnh đời ấy và gọi các phận người ấy là con và tôi là bố, là cha của chúng”.

Tay-Hai-4
Hàng ngày luôn có người đến thăm viếng nghĩa trang

Nghĩa trang thai nhi thiết kế xây dựng theo ý tưởng của LM Tịch là mô hình của 2 bàn tay, mỗi ngón tay là một kim tĩnh lớn, dài 2 – 3m, rộng 0.5 – 0.8m và sâu 2m, mỗi ngón kim tĩnh an táng khoảng 3.000 thai nhi.

Biểu tượng bàn tay mang ý nghĩa của nâng đỡ, dẫn dắt, che chở, đối nghịch với những bàn tay kéo các thai nhi ra khỏi lòng mẹ, cắt đứt sự sống của các em. Hiện tại, số lượng hài nhi chôn đã lấp đầy 3 “ngón” tay, tính đến 31 tháng 12 năm 2015 là 10.000 trường hợp. Một con số vô tri nhưng nghe qua thật đau nhói lòng!

Tay-Hai-5
Một nhóm phật tử ở một ngôi chùa Biên Hòa đến nghĩa trang thai nhi giáo xứ Tây Hải để cầu siêu và cầu nguyện cho các sinh linh xấu số. Một sự hòa hợp các tôn giáo mang nhiều ý nghĩa sâu sắc

Rời nghĩa trang thai nhi khi nắng treo cao lơ lửng trên đỉnh đầu. Quay bước trở về, tôi có một niềm tin rằng hàng ngàn linh hồn bé bỏng đang nằm dưới tất đất kia cũng đang nở nụ cười hài lòng bởi bao quanh các bé luôn được sưởi ấm, sẻ chia, ôm ắp bằng hàng ngàn bàn tay yêu thương mọi người,…

Trí Tường

Theo báo Công An TPHCM

Check Also

Thánh Lễ Kính Đức Maria Thăm Viếng Bà Ê-li-sa-bét và an táng cho 13 em thai nhi không được chào đời

Thánh Lễ Kính Đức Maria Thăm Viếng Bà Ê-li-sa-bét và an táng cho 13 em …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.