Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2016 nhấn mạnh đến sự lan tràn của tội ác trên quê hương Việt Nam: “Làm sao không âu lo trước tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man”.
Tôi cứ suy nghĩ về những lời của các vị Cha chung, và cứ băn khoăn khi nhìn xã hội chung quanh mình.
Mới đây, tác giả Thanh Tôn cũng viết về cái các trong một bài báo: “Họ biết mình ác mà sẵn sàng ác chỉ vì một chút lợi nhuận nhỏ nhoi”.
Nhưng có lẽ cái ác có thể diệt trừ nhanh chóng nếu con người biết cùng nhau chỉ ra cái ác và đồng lòng loại trừ nó, và nhất là đồng lòng canh tân cuộc sống. Thánh Phaolô quả quyết rằng nếu không có sự thanh tẩy tái sinh và canh tân trong Thánh Thần, thì con người sẽ sống trong gian ác (x.Tt. 3).
Vậy ác là gì? Có người định nghĩa đơn giản: giết người mới là ác. Điều này dĩ nhiên là đúng. Giết người, nhất là giết thai nhi, là những tội ác rùng rợn nhất mà con người có thể thực thi với nhau. Đối xứ bất công, làm hại người khác, nhất là người nghèo, xét xử không công minh, làm cho nhiều người đau đớn… tất cả những điều ấy là ác.
Nhưng nếu định nghĩa ác rộng hơn, thì bất cứ cái tà tâm nào muốn gây hại cho người khác và bất cứ hành động nào gây cho người khác đau khổ, lo lắng, sợ hãi… đều là những cái ác.
Việc lấy vợ lấy chồng là việc tốt và cần thiết. Nhưng nếu việc lấy một người mà có thể gây bất hoà, chia rẽ, tan vỡ hay đau đớn cho người thân thì cũng là điều ác. Một bác sĩ tận tâm chữa bệnh là tốt, nhưng nếu ông ta chỉ tận tâm khi thu lợi nhuận, còn nếu gặp người nghèo, ông ruồng rẫy hay cư xử vô đạo đức, thì đó là cái ác.
Xã hội này có quá nhiều những cái ác. Vấn đề là chúng ta có vô can hay không? Rất nhiều khi chúng ta vô tình hay hữu ý ủng hộ cái ác. Đơn giản hơn, chúng ta im lặng làm ngơ để cái ác hoành hành, và đó cũng là một cách ủng hộ cái ác.
Và nguy hiểm hơn, khi chúng ta thấy ai lên tiếng bênh vực lẽ phải, chống lại cái ác, thì chúng ta dùng lời lẽ ngông cuồng nhục mạ họ.
Những thái độ đó làm cho cái ác ngày càng hoành hành. Thấy kẻ móc túi, thiên hạ lờ đi cho an tâm. Thấy kẻ hành hung, thiên hạ ngoảnh mặt chỗ khác. Thấy kẻ hung dữ đàn áp người bệnh, người nghèo, thiên hạ im lặng cam chịu. Thấy cảnh áp bức bất công, thiên hạ nói không phải chuyện của mình. Thấy cảnh phá thai, thiên hạ nói: đó là quyền của người mẹ!
Tôi mới nghe một người Công Giáo nói thế này khi thấy ai sự lên án bất công: “Chúa đã dạy cái xà trong mắt mình mình chưa thấy mà cứ lo tìm cái rác trong mắt người khác”. Xin thưa: “Xã hội này không chỉ có rác, mà có những tảng đá to gấp ngàn lần cái xà trong mắt mình, nếu cứ im lặng thì có ngày những tảng đá đó đè chính mình”. Dĩ nhiên là ta phải tự hoàn thiện, nhưng cũng phải lo cho tha nhân nữa.
Học thuyết Xã Hội Công Giáo dạy rằng “Học thuyết xã hội này cũng bao gồm cả nghĩa vụ phải tố cáo mỗi khi tội có mặt: tội bất công và tội bạo lực, cách này hay cách khác, đang lan tràn qua xã hội và thâm nhập vào xã hội”. Hội Thánh tố cáo cái lớn lao. Mỗi người chúng ta nỗ lực loại trừ những cái ác thực tế chung quanh chúng ta. Và như thế, chúng ta mới góp phần làm cho tiếng nói của các vị Cha chung trong Giáo Hội tại Việt Nam được sinh hoa trái trong đời sống chúng ta và nhờ đó Giáo huấn Hội Thánh mới đi vào xã hội được.
Ước chi chúng ta không làm ngơ trước cái ác, không ủng hộ cái ác, không bịt miệng những ngôn sứ thời đại, và càng không dung túng cho cái ác chỉ vì lợi ích riêng tư hay tham vọng cá nhân.
Gioan Lê Quang Vinh
Theo VietCatholic