Ông cha của những thiên thần mong manh

Dù trời đang mưa, linh mục Giuse Lê Thành Tâm vẫn lặng lẽ dắt chiếc xe máy cùng vài thành viên trong nhóm Bảo vệ sự sống đi làm công việc vốn đã quen thuộc suốt 6 năm qua: đưa những sinh linh bé nhỏ về nhà Chúa.

KHỞI ĐI TỪ NHỮNG THƯƠNG ĐAU

Nâng niu và chôn cất những thai nhi bị từ chối quyền sống là một trong những công việc mục vụ ấn tượng của giáo xứ Ngưỡng Nhân (GP Bùi Chu). Ngoài những hội đoàn quen thuộc, Ngưỡng Nhân còn có thêm một hội đoàn có tên “Hội bảo vệ sự sống lòng Chúa xót thương ”. Mỗi thứ sáu đầu tháng, các thành viên cùng nhau hiệp dâng lời cầu nguyện trong thánh lễ dành cho những “thiên thần” nhỏ, để rồi sau đó đưa các em yên nghỉ nơi nghĩa trang đồng nhi của giáo xứ.

Linh mục Giuse Lê Thành Tâm

Linh hồn của nhóm Bảo vệ sự sống ở xứ đạo Ngưỡng Nhân là cha quản xứ Giuse Lê Thành Tâm, cũng là người khởi xướng thành lập nhóm. Câu chuyện vì sao mình trở thành người gắn với những thiên thần mong manh được cha kể lại một cách giản dị. Đó là vào cuối năm 2009, cha nghe một giáo dân trong xứ kể lại vừa nhìn thấy một thai nhi bị vất bỏ ở ven sông nên động lòng thương, đã nhặt lên và đem chôn bên vệ đường. Anh còn tâm sự: “Gần đây có dịch vụ phá thai, chắc có nhiều thai nhi bị vứt trôi sông!”. Nỗi niềm của người giáo dân ấy đã tác động đến trái tim người mục tử, để rồi cha và con bắt đầu đi tìm lại thai nhi đáng thương nọ mang về chôn cất tử tế tại nghĩa trang giáo xứ. Nỗi khắc khoải về những sinh linh bị bỏ rơi cứ hiện lên khôn nguôi trong lòng để rồi cha đưa ra cả một kế hoạch dài hơi sau đó. Một, hai rồi năm, sáu người khác trong xứ cũng đồng cảm, cùng cha tìm hiểu những dịch vụ phá thai gần khu vực. “Quan sát xem người ta thường vứt bỏ ở đâu thì mình lại nhặt về mang đi chôn. Có những ngày hoa mắt, chùn chân vì không ngờ thực tế lại phũ phàng như vậy. Bên cạnh sự phản ứng của một bộ phận không thích việc làm này, may sao vẫn có những người nhiệt tình góp sức với mình”, cha Tâm nhớ lại. Cứ thế, đến nay nhóm đã hình thành được hai nhánh ở cả Bắc lẫn Nam: phía Bắc gồm 40 thành viên và phía Nam hoạt động tại TPHCM hiện có gần 60 thành viên và nhiều cộng tác viên.

Hội làm được nhiều việc ý nghĩa như hôm nay cũng nhờ sự bền tâm vững chí, không ngại khó của cha Tâm dù ban đầu không hẳn có được sự đồng tình của mọi người. Hơn nữa, địa bàn rộng lớn với địa hình nhiều sông suối, ao hồ, ruộng đồng hay trong những tháng mưa bão cũng gây cản trở lớn cho việc tìm kiếm. Những cảnh tượng đau lòng ít ai tưởng tượng nổi của những thai nhi chính là động lực để nhiều thành viên tham gia cộng tác cùng cha. Sau những giờ ra đi và mang về trong lặng im bùi ngùi, cha thường cùng các thành viên họp mặt để chuyện trò, động viên nhau. Sự dấn thân của cha Tâm sau này đã lan tỏa ra bên ngoài và lôi cuốn thêm nhiều người tham gia. Nghĩa trang thai nhi của giáo xứ rộng 1000 mét vuông, tính đến nay, là nơi yên nghỉ của hơn 14.000 thai nhi.

VÌ SỰ SỐNG CẦN ĐƯỢC NÂNG NIU

Trong thời gian gắn mình với việc chôn cất thai nhi bị chối bỏ, cha Tâm suy nghĩ nhiều về những bà mẹ trẻ lỡ mang thai ngoài ý muốn. Từ đó, cha thúc đẩy cả hai nhóm bảo vệ sự sống hai miền Bắc – Nam nâng đỡ những bà mẹ này giữ lại thai và sinh nở vuông tròn tại một số mái ấm.

Cha Tâm cùng các thành viên trong nhóm Bảo vệ sự sống tại nghĩa trang đồng nhi

Cơ sở vật chất chưa có, cha liên hệ và mượn tạm chỗ của các nữ tu dòng Mân Côi gần giáo xứ Ngưỡng Nhân, mỗi lần chỉ giúp được 3 người nhưng đã có trên 30 phụ nữ được cưu mang và cũng chừng ấy trẻ nhỏ được cất tiếng khóc chào đời. Ngoài những trường hợp gởi đến Mân Côi, cha Tâm cùng nhóm cũng giúp cho những bạn gái mang thai ngoài ý muốn có chỗ ăn ở tạm lánh để sinh con. Hầu như hằng tháng, nhóm đều tiếp nhận và tận tình giúp đỡ, tư vấn, gỡ rối cho những cô gái trẻ để họ không bỏ đi đứa con của mình. Sự sống được nâng niu, bài học nhân bản được lặng thầm truyền đến nhiều người qua các hình thức nối kết khác nhau. Nhóm ở miền Nam còn lập một trang facebook để lắng nghe, đồng thời can thiệp kịp thời giúp cả người nam lẫn nữ gìn giữ “giọt máu” của chính mình. Anh Phạm Văn Bút, trưởng nhánh tại TPHCM cho biết, đã có gần 100 ca ở phía Nam được nhóm hỗ trợ bằng nhiều hình thức để không phá thai và sinh nở mẹ tròn con vuông. Sợi dây cộng tác cùng cha Tâm dù gần hay xa xôi vẫn luôn vững chắc. Các thành viên ở cả hai nhánh mỗi năm lại gia tăng, phần lớn là những người trẻ. Dù còn vất vả mưu sinh nhưng trước lời mời gọi nhiệt thành của cha, mọi người lại thêm tinh thần bước tới.

Truyền thông để góp phần ngăn chặn ngay từ đầu những ý nghĩ phá thai cũng luôn được chú trọng. Cả cha linh hướng và nhóm đều cố gắng học hỏi và truyền lại kinh nghiệm của mình với ước mong thấy nhiều hơn nữa những nụ cười con trẻ thay vì là nỗi đau mất mát. Khi các nhóm cả hai miền hoạt động càng hăng hái, hiệu quả thì cha Tâm lại càng thêm tất bật. Linh hướng cho cả hai nhánh nên cha thường xuyên sắp xếp thời gian vào miền Nam đồng hành cùng các thành viên. Cũng từ đây, các hoạt động bác ái được mở rộng hơn nữa với chương trình “Cháo đêm cho người vô gia cư”, tặng quà cho những người ốm đau bệnh tật, giúp đỡ bà con dân tộc vùng sâu vùng xa…

Hình ảnh ông cha chẳng ngại nắng mưa, tất tả lo cho những hình hài bé bỏng có được tiếng khóc chào đời hay có khi băng mình giữa phố đêm Sài Gòn đi phát cháo cho người vô gia cư vẫn được nhiều thành viên trong nhóm “Bảo vệ sự sống lòng Chúa xót thương” nhắc đến với niềm tự hào, quý mến khi nói về cha linh hướng của mình.

MINH HẢI

Check Also

“Cảm ơn ba vì đã cứu con” – Lời cảm ơn từ cô bé được cứu khỏi bị phá thai 17 năm trước tới ba đỡ đầu

17 năm trước, nam diễn viên Công giáo người Mexico, Eduardo Verástegui, đã thuyết phục …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.