Bác sĩ sản khoa và nỗi ám ảnh sau những ca nạo phá thai

Bác sĩ chia sẻ công việc này hết sức ám ảnh khi không ít lần phải nạo phá thai cho các cô gái đang ở tuổi vị thành niên hay những bé gái còn đang học lớp 8.

Những câu chuyện về nạo phá thai dường như không còn quá xa lạ với bất cứ ai trong xã hội hiện đại, thậm chí nhiều người còn xem đây là việc bình thường. Nhưng đối với những các sĩ sản khoa – những người phải đối diện với công việc nghiệt ngã ấy hàng ngày – lại cảm thấy rất đau lòng, vừa thương vừa giận những người phụ nữ quyết định bỏ đi giọt máu của mình.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung – phụ trách khoa sản Trung tâm y tế Thái Hà – cho biết đã làm nghề được 40 năm nay, có những ngày thực hiện hơn 40 ca nạo phá thai. Mặc dù không ít lần bác sĩ cảm thấy vô cùng xót xa khi có những bào thai đã lớn nhưng vì người mẹ kiên quyết phá thai nên cũng đành chấp nhận. “Nếu chúng tôi từ chối, những người phụ nữ này chỉ còn cách tìm đến những nơi nạo phá thai ‘chui’, kém chất lượng, không cẩn thận sẽ làm nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều cô gái trẻ vì tự ti, mặc cảm nên tìm đến các phòng khám ‘chui’ để nạo hút. Những nơi này dụng cụ thô sơ, không đảm bảo vệ sinh nên dễ dẫn đến tình trạng băng huyết, viêm mạc tử cung, nếu giữ được tính mạng cũng có thể ảnh hưởng đến sinh nở và sức khỏe sau này”.

Bác sĩ Dung kể lại có không ít bà mẹ khi đã mang thai đến tháng thứ 6, phát hiện con bị dị tật bẩm sinh nên đành chấp nhận đình chỉ thai, đây là nỗi đau không thể nào tả xiết đối với người mẹ. Nhưng trong suốt những năm hành nghề, bác sĩ cũng đã gặp rất nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi, có cô gái mới 16, 17 tuổi, cũng có những bé gái mới chỉ 13, 14 tuổi được mẹ đưa đến bệnh viện phá thai. Những gương mặt non nớt đứng đợi ở phòng khám, run rẩy sợ hãi khi bắt đầu tiến hành nạo phá thai khiến bác sĩ rất ám ảnh.

“Có cô gái trẻ mang thai chừng 5 – 7 tháng mới đến phá, thai lớn nhưng vì muốn làm lại cuộc đời nên nhất quyết lấy ra. Điều đáng buồn là thời điểm quyết định phá thai, cô bé mới ở độ tuổi vị thành niên đó lại chỉ đơn độc một mình, không có bạn trai hay người thân bên cạnh” – bác sĩ kể lại – “Cô gái khóc nghẹn trước khi lên bàn nạo thai, phần vì sợ hãi, phần vì thương đứa con trong bụng”. Mặc dù bác sĩ đã có lời khuyên nhưng cô gái trẻ vẫn quyết định bỏ. Vì thai nhi quá lớn nên đã dẫn đến băng huyết nhưng may mắn là các bác sĩ cứu chữa kịp thời nên đã qua khỏi.

Bác sĩ Dung cũng chia sẻ: “Có những thai nhi ra ngoài chỉ là một hòn máu nhưng cũng có những thai nhi đã đầy đủ hình dạng chân tay. Những ca xử lý thai lớn luôn khiến tôi phải chảy mồ hôi hột, phần vì khả năng đảm bảo an toàn cho người mẹ rất thấp, phần vì khi nhìn thấy thai nhi trong lòng lại dậy lên nỗi xót xa đến chảy nước mắt”.

Cũng có trường hợp thai phụ tìm đến cơ sở của bác sĩ Dung phá thai 2 – 3 lần, lần nào thai cũng lớn hơn 3 tháng. Gặp bệnh nhân đến quen mặt, bác sĩ phải buông lời trách mắng, hỏi tại sao không dùng biện pháp tránh thai, để đến nỗi mang thai lớn thế này rồi mang đi phá bỏ. Hóa ra, vì gia đình thai phụ này muốn sinh con trai, nên sau 12 tuần tuổi đi siêu âm thấy là bé gái thì đòi thai phụ phải đi bỏ.

“Điều đáng trách là thai phụ này đã từng sinh mổ nên trong tử cung có sẹo, vị trí cũng rất nguy hiểm, nếu cố tình phá thai nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Nhưng gia đình thai phụ này vẫn muốn bỏ thai nhi, vì lý do cuộc sống phụ thuộc vào nhà chồng, nếu có sinh con ra cũng không thể nuôi dưỡng tốt” – bác sĩ Dung chia sẻ quan điểm suy nghĩ trọng nam khinh nữ của các gia đình hiện nay rất đáng trách, làm tăng thêm tình trạng nạo phá thai và mất cân bằng giới tính.

Những năm gần đây, nhiều thai phụ cũng rộ lên phương pháp phá thai bằng thuốc, cho rằng cách này rất an toàn, làm thai tự đẩy ra ngoài mà không cần dùng đến dao kéo, mỏ vịt. Nhưng đã từng có lần, bác sĩ Kim Dung phải xử lý một ca cấp cứu “kì quặc”, khi bệnh nhân đến siêu âm thì trong tử cung không có thai nhi nhưng lại phát hiện ra một phần thịt đã bắt đầu có dấu hiệu thối rữa chặn ở cửa tử cung, nếu không xử lý nhanh sẽ gây nhiễm trùng đến các bộ phận khác trong cơ thể. Nguyên nhân là người phụ nữ này đã tự phá thai bằng thuốc, thấy máu chảy ra nhiều thì cứ ngỡ là thai đã bị đẩy ra ngoài mà không hề hay biết bọc thai bị chặn ở ngay cổ tử cung bao lâu nay.

Bác sĩ Dung cho biết việc phá thai bằng thuốc không phải cứ uống thuốc là xong mà thai phụ cần phải được thăm khám tuổi thai nhi cũng như sức khỏe của bản thân. Trường hợp thai phụ nếu tùy tiện mua thuốc về dùng hoặc phá thai tại cơ sở y tế không đủ tiêu chuẩn, bác sĩ chưa qua tập huấn về phá thai bằng thuốc, không theo dõi sát bệnh nhân, thai có thể không được tống xuất hoàn toàn dẫn đến sót thai, sót nhau thai gây băng huyết, mất máu dài ngày; nguy cơ nhiễm trùng tử cung cao.

Suốt hơn 40 năm làm nghề, bác sĩ Kim Dung luôn phải có một cái đầu lạnh, bỏ qua cảm xúc cá nhân mới có thể thực hiện công việc nạo phá thai. Nhưng cũng có đôi lần, bác sĩ đã đưa giúp thai phụ trở về nhà với tâm trạng thanh thản khi quyết định giữ lại thai nhi. “Cũng có một vài người chịu nghe lời khuyên của bác sĩ, giữ lại con để sinh nở thay vì tước đi quyền làm người của con. Những lúc thấy thai phụ gật đầu đồng ý bỏ ý định phá thai, tim tôi lại nhẹ gánh một phần, chỉ hi vọng đứa bé có thể ra đời khỏe mạnh, lanh lợi, sống một cuộc sống của chính mình” – bác sĩ Dung tâm sự.

Theo VTV.VN

Check Also

Anh chị đã phó thác vào Chúa và Chúa đã nhậm lời anh chị

Hôm trước đi lễ, mình nghe Cha kể lại câu chuyện Cha mới nghe từ …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.