Dự phòng lây nhiễm HIV(2)

EMMAUS(09/04/2013)

Câu 13: Mặc dù đã biết 3 đường lây của HIV, nhưng sao tôi vẫn ghê sợ khi tiếp xúc với người nhiễm HIV, không  thể nào dám lại gần…?

Đây là vấn đề cảm giác và cảm giác cá nhân này có thể xảy ra với nhiều người. Cảm giác này có thể đến một cách vô thức, hoặc có ý thức và nó xuất phát từ những thông tin, kiến thức,  quan niệm của cộng đồng, xã hội hoặc cá nhân mỗi người. ví dụ, cộng đồng thường cho rằng AIDS là căn bệnh chết người, người chết do AIDS thường có bộ dạng rất thảm thương, kinh khủng, gầy gò, lở loét đầy mình… HIV thường đi kèm với những hành vi không an toàn trong xã hội như nghiện chích, mại dâm, trong khi đó những người sử dụng ma túy, hoạt động mại dâm thường bị quan niệm là tầng lớp thấp trong xã hội, họ có các hành vi tiêu cựu…

Từ đó những cá nhân có nhận thức như trên sẽ sợ hãi một cách vô thức với những vấn đề có liên quan đến HIV/AIDS và những người nhiễm HIV, đặc biệt khi tiếp xúc với những người bệnh AIDS đang trong giai đoạn cuối. Những biểu hiện bên ngoài của sự ghê sợ này là chính là thái độ và hành vi mang tính kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV, cũng như những vấn đề liên quan đến HIV/AIDS.

Câu 14: Nếu một người đàn ông nhiễm HIV, anh ta có khả năng có con khỏe mạnh không?

Một người đàn ông nhiễm HIV sẽ có HIV trong tinh dịch chứ không có HIV trong tinh trùng. Với các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện nay, có thể thực hiện kỹ thuật lọc rửa tinh trùng loại bỏ hoàn toàn tinh dịch nhiễm HIV. Sau đó, tinh trùng đã được lọc rửa sạch lại được bơm vào buồng tử cung (thụ tinh nhân tạo) hoặc được dùng để tiêm vào bào tương trứng trong thụ tinh trong ống nghiệm. Do đó, một người đàn ông nhiễm HIV vẫn có thể có con không nhiễm HIV.

Câu 15: Cần phải làm gì khi bị kim tiêm đâm xuyên qua da, dẫm phải bơm kim tiêm hoặc bị dính máu , dịch sinh học bắn vào niêm mạc mắt?

(1)  Với tổn thương ở da và có chảy máu:

  • Rửa ngay vết thương dưới vòi nước và để vết thương chảy máu tự do trong một thời gian ngắn (30 đến 60 giây);
  • Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch, sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn (Dakin, Javen 1/10, hoặc cồn 700) trong thời gian ít nhất là 5 phút.

(2)  Với tổn thương ở niêm mạc:

  • Nếu ở mắt thì cần rửa mắt bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần;
  • Nếu ở miệng, mũi cần sức miệng bằng dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần, rửa, nhỏ mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9%;

(3)  Báo cáo người phụ trách và làm biên bản: Cần nêu rõ ngày, giờ, hoàn cảnh xảy ra, đánh giá vết thương, mức độ nguy cơ của phơi nhiễm.

(4)  Xác định tình trạng HIV của nguồn phơi nhiễm.

(5)  Phòng lây nhiễm HIV cho người khác: Người bị phơi nhiễm có thể lầm lây nhiễm HIV sang người khác, dù xét nghiệm HIV âm tính do đang trong thời kỳ cửa sổ, vì vậy cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV.

(6)  Điều trị dự phòng bằng ARV cho người bị phơi nhiễm: Cần tiến hành điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm và xét nghiệm nguồn gây phơi nhiễm. Điều trị bằng ARV phải được tiến hành sớm, từ 2 đến 6 giờ sau khi bị phơi nhiễm có kết quả xét nghiệm HIV âm tính.

Câu 16: Dùng kem diệt tinh trùng bôi lên dương vật giúp phòng lây truyền HIV, có đúng không?

Bạn không nên sử dụng bất kỳ loại kem hay thuốc diệt tinh trùng nào với mục đích phòng chống lây truyền HIV trong quan hệ tình dục qua đường âm đạo hay hậu môn. Đối với phụ nữ khi họ sử dụng kem diệt tinh trùng để tránh mang thai ngoài ý muốn cũng nên sử dụng bao cao su để phòng lây truyền HIV.

Trong kem diệt tinh trùng có chứa chất Nonoxynol-9 (N-9). Mặc dù N-9 diệt được virus HIV trong ống nghiệm, nhưng các nghiên cứu mới đây cho thấy rằng N-9 khi đưa vào âm đạo có thể kích thích âm đạo và thực sự làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV trong quan hệ tình dục. Chất N-9 cũng gây kích ứng niêm mạc của trực tràng và không nên sử dụng thuốc diệt tinh trùng trong quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

Câu 17: HIV đễ bị tiêu diệt, vậy thụt rửa kỹ bằng thuốc sát trùng có tránh được lây nhiễm HIV không (đặc biệt là sau mỗi lần giao hợp)?

Chắc chắn là không. Thụt rửa sau giao hợp không thể ngăn cản được sự lây truyền HIV bởi vì tinh dịch đi vào cổ tử cung ngay tức thì sau khi xuất tinh. Cho tới nay chưa có chứng cứ nào nói lên rằng thụt rửa sau khi quan hệ tình dục có thể  là một trong những biện pháp ngăn chặn lây truyền HIV.

Thụt rửa có thể kích thích các mô âm đạo và càng dễ bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như HIV. Thụt rửa có thể gây ra nhiễm trùng do phá vỡ cân bằng tự nhiên của các loại vi khuẩn và nấm men trong âm đạo và thụt rửa có thể khiến cho một số bệnh nhiễm trùng sẵn có bị nặng thêm.

Câu 18: Người nghiện ma túy đã bị nhiễm HIV vẫn tiếp tục chơi ma túy có ảnh hưởng gì không?

Người nghiện mà túy đã nhiễm HIV vẫn tiếp tục tiêm, chích ma túy sẽ có nhiều nguy cơ hơn, vì cơ thể của họ đã bị nhiễm HIV làm giảm sút sức đề kháng, nếu tiếp tục chơi ma túy sẽ dễ dẫn đến bị bội nhiễm HIV, hoặc do lây nhiễm các bệnh khác làm cho tình trạng HIV của họ nhanh chóng trở nên trầm trọng. Mặt khác, có thể lây nhiễm HIV sang người khác nếu dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm, trích ma túy.
Anna Nguyễn Quỳnh Nga (sưu tầm & biên soạn)

Check Also

HIV, AIDS, HIV/AIDS, Emmaus Ha Noi, Emmaus Hà Nội, Emau, Emmau

Xét nghiệm là bước đầu tiên kiểm soát HIV/AIDS

Emmaus (13/07/2016) Chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra Hội nghị Quốc tế về AIDS …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.