Đức Thánh Cha: Hãy gần gũi những gia đình đổ vỡ

Pope Francis: (AP)

Thái Hà (10.11.2016) – “Mối liên kết bất khả phân ly” giữa Giáo hội Công giáo với các thành viên của Giáo Hội, bao gồm cả những người phải vật lộn để sống theo giáo huấn của Giáo hội về đời sống gia đình, “là dấu hiệu rõ ràng nhất của tình yêu trung tín và thương xót của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 27/10, đã nói như trên với các nhân viên, giảng viên và sinh viên của Học Viện Giáo Hoàng về hôn nhân và gia đình ở Roma.

Ngài nói tiếp: Ngày nay trong khi nhiều người phải vật lộn để sống theo hình mẫu lý tưởng của Kitô giáo về hôn nhân và đời sống gia đình, thì nhiệm vụ chính của các nhà thần học trong Giáo hội và các mục tử không phải là chỉ trỏ vào những thất bại ấy, nhưng là gần gũi với mọi người “để nhờ ân sủng mà có thể họ được cứu chuộc, được ban sức sống mới và được chữa lành.”

Cũng nhân dịp khai giảng niên khóa 2016-17 của học viện, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ lòng thán phục về “tầm nhìn xa trông rộng” của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vào năm 1981, người đã thành lập viện này để tập trung nghiên cứu về giáo huấn Công giáo về gia đình.

Ngoài cơ sở chính tại Đại học Giáo Hoàng Lateran ở Roma, học viện còn có các chi nhánh ở Hoa Kỳ, Benin, Brazil, Ấn Độ, Mexico, Tây Ban Nha và Úc.

Trong tháng Tám, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm TGM Vincenzo Paglia làm hiệu trưởng của học viện, ngài kêu gọi đổi mới chương trình và cấu trúc để đảm bảo về “quan điểm mục vụ và quan tâm đến những vết thương của nhân loại”.

Phát biểu trước các sinh viên và giảng viên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, điều quan trọng phải nhớ là kho tàng được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương lại được con người chứa đựng “trong những bình sành” và rất dễ vỡ.

“Ân sủng cũng tồn tại, chứ không chỉ là tội lỗi. Vì vậy chúng ta phải học cách không để mặc thất bại của nhân loại, nhưng hỗ trợ kế hoạch ‘cứu chuộc’ của Đấng Tạo Hóa bằng mọi giá.”

Ngài cũng trích dẫn thông điệp Amoris Laetitia, “Chúng ta phải nhận rằng nhiều khi chúng ta đã trình bày một lý tưởng thần học về hôn nhân quá trừu tượng, hầu như được kiến tạo một cách giả tạo, xa rời tình trạng cụ thể và những khả năng thực sự của cac gia đình như trong thực tế. Sự lý tưởng hóa thái quá như thế, nhất là khi chúng ta không thức tỉnh lòng tín thác nơi ơn thánh, không những sẽ làm cho hôn nhân không còn được ước mong và có sức lôi cuốn nữa, nhưng hoàn toàn trái ngược lại” (Amoris laetitia, 36).

Ngài nói tiếp, ngày nay khế ước giữa các cặp vợ chồng và gia đình “bị thử thách trong nhiều cách”. Chủ nghĩa cá nhân, một quan niệm về tự do đã tách rời mọi ý thức trách nhiệm đối với người khác, thờ ơ với công ích, “các ý thức hệ này tấn công trực tiếp vào các gia đình”, và tình trạng đói nghèo gia tăng đe dọa gia đình cũng như của chính xã hội.

Hôn nhân và đời sống gia đình dựa trên “kế hoạch của Thiên Chúa” về “sự kết hợp giữa người nam và người nữ”. Điều đó đòi hỏi “sự hợp tác và tôn trọng, sự quảng đại dâng hiến và chia sẻ trách nhiệm, khả năng nhận ra sự khác biệt như một sự phong phú và một lời hứa, và không phải là động lực để khuất phục và lạm dụng quyền lực.”

Đức Thánh Cha cũng nói, nhưng thay vì khuyến khích những nỗ lực tìm hiểu nhau hơn, nền văn hóa hiện đại dường như muốn “xóa bỏ sự khác biệt” hơn là giải quyết những căng thẳng bắt nguồn từ chúng. Thái độ như thế vừa làm suy yếu cuộc hôn nhân, vừa làm suy yếu bất kỳ nỗ lực nào mong muốn xây dựng một xã hội hòa bình, nơi mọi sự khác biệt được công nhận và được quý trọng.

“Trong thực tế, khi mọi việc diễn ra tốt đẹp giữa người nam giới và phụ nữ, thế giới và lịch sử cũng đi đến tốt đẹp. Nếu mọi thứ đổ vỡ, thế giới trở nên thành nơi khắc nghiệt trống rỗng và lịch sử bị khựng lại.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các nhà thần học và sinh viên tại học viện tìm cách giúp đỡ các gia đình Công Giáo, để họ “ý thức hơn về món quà ân sủng mà họ đang mang trong mình và tự hào về sự giúp đỡ tất cả những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người tuyệt vọng vì chưa tìm thấy và chưa khám phá ra” ân huệ của tình yêu Thiên Chúa dành cho họ.

Ngài nói, nền thần học Công giáo và mục vụ cũng phải có cách tiếp cận tích cực hơn, tức ít tập trung hơn vào việc làm sao con người đi lầm đường lạc lối, và quan tâm nhiều hơn đến việc gần gũi với họ, hướng dẫn và hỗ trợ những điều cần thiết để họ xứng đáng là thành viên của Giáo Hội.

“Thần học và những ưu tư mục vụ liên hệ chặt chẽ với nhau, giáo lý thần học không để mình được định hướng và định hình bởi mục đích truyền giáo của Giáo Hội, và những ưu tư mục vụ không chỉ là một kế hoạch mục vụ, mà không biết làm thế nào để khám phá ra kho tàng mạc khải đức tin và truyền thống với một cái nhìn để hiểu và thông truyền đức tin tốt hơn.”

Cát Pretty dịch từ Catholic Herald.

Check Also

Sứ điệp Ngày Quốc gia vì Sự sống lần thứ 45 của Hội đồng Giám mục Ý

Ngày Quốc gia vì Sự sống lần thứ 45 ở Ý sẽ được cử hành …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.