Tự nhiên và siêu nhiên trong đời sống con người (phần 1/2)

Vì “Ngôi Lời đã làm người và đã cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14),

nên những gì là “thần linh nhất” được tỏ bày qua những gì là “con người nhất”,

và ngược lại, những gì là “rất người” đều mang dấu ấn “thần linh”.

Có những quan niệm coi con người chỉ là thân xác, hoàn toàn thuộc thế giới tự nhiên. Trái lại, có những cái nhìn về con người là tâm linh, thuộc thế giới siêu nhiên. Để tìm hiểu về con người, triết học từ xa xưa đã chia thành hai trường phái chính: thuyết nhị nguyên và thuyết nhất nguyên.

Cách riêng, thuyết nhị nguyên được khởi nguồn từ Platon, Aristote, cũng như các trường phái Sankhya và Yoga trong triết học Ấn độ giáo, và được René Descartes (Tk17) chính thức đề cập, xây dựng và phát triển: thừa nhận có hai thực thể vật chất và tinh thần tồn tại độc lập với nhau nơi con người. Vấn đề nhị nguyên đã phân rẽ con người duy nhất, và đã ảnh hưởng sâu nặng trên toàn bộ đời sống làm người, cũng như cách riêng trên đời sống Kitô hữu.

Thật ra, chúng ta không thể có kinh nghiệm về một con người hoàn toàn “tự nhiên”, vì con người được sáng tạo có khả năng tiếp nhận Thiên Chúa, và vì Con Thiên Chúa đã trở nên con người để con người được trở nên con Thiên Chúa. Sự sống siêu nhiên này đã gắn liền với hoàn cảnh và sự tồn vong của mỗi người trong từng giây phút cuộc đời. Do đó, không có gì hoàn toàn trần tục trong vũ trụ này, vì tất cả sẽ phải được thâu họp trong Đức Kitô. Chính trong đường hướng đó mà loài người phải hành động trong Tình Yêu để tiếp nối công việc của Đấng Tạo Hóa (GS 33) là đưa vũ trụ này tới Nước Trời là nước vĩnh cửu và đại đồng (GS 39). Chúng ta lượt qua từng quan niệm trước khi đi sâu vào con người thuần nhất giữa tự nhiên và siêu nhiên.

adam-ressurection

1. Những quan niệm về cơ cấu con người

Theo Platon, con người đích thực chính là linh hồn thiêng liêng đã có sẵn từ xa xưa trên thiên giới, ở đấy hồn ngất ngây chiêm ngưỡng những ý tưởng tinh ròng, nhưng rồi vì một lý do nào đó, hồn phải chịu giam phạt trong thân xác. Khi tri thức sự vật, hồn chỉ hoài niệm những ý tưởng đã có trước kia, nhưng trong trạng thái mù mờ. Trên con đường đi lên để tìm kiếm chân lý, con người phải giải thoát linh hồn mình khỏi tù ngục của thân xác.

Ấn giáo hay Phật giáo cũng coi kiếp sống thể xác như những trạm dừng chân của tinh thần trong vòng luân hồi. Cứu cánh của đời là Diệt đời (nirvâna) hay Giải thoát (moksha). Tham, sân, si, như cạm bẫy do xác, nên phải vượt khỏi thân xác, là ngục tù của tinh thần.

Tiếp nối trong thời cận đại, có những triết thuyết độc tôn như:

– Thuyết Duy Linh: chủ trương con người là tâm linh thuần túy, thân xác chỉ là dáng vẻ bề ngoài (Schopenhauer).

– Thuyết Duy vật: chủ trương con người là vật chất thuần túy. Những hành vi suy lý hay tư tưởng chỉ là những hiện tượng, hoặc được coi như kết quả tình cờ của một hệ thống thần kinh; hoặc được coi như sản phẩm của “vật chất” tiến hóa theo biện chứng pháp, nhờ có một bước nhảy vọt từ lượng sang phẩm (Karl Marx). Ngoài ra, có vài triết gia khác coi linh hồn và thân xác như hai bản thể của con người (Descartes, Malebranche, Leibniz).

Trong lịch sử Giáo hội cũng đã có những người chủ trương sai lạc như phái Manichéisme, Gnosticisme: tinh thần thì được gọi là thánh thiện và vĩnh cửu, còn vật chất thì vừa làm hư nát vừa bị hư nát. Trong cái nhìn về sự vật và thân xác như thế, thì bản chất tự nhiên bị xem như đứa con vô thừa nhận của Tạo dựng. Vật chất và tinh thần đối đầu nhau thì chỉ còn lại ý chí “thống trị”, qua đó, con người chỉ tới được với Chúa khi đã loại bỏ được phần vật chất. Quan niệm như vậy phải chăng là phủ bỏ công trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa?

Không ai có thể phủ nhận rằng, tất cả sự sống đều là phản ánh nét toàn hảo của Thiên Chúa (x. St 1, 3-31). Sống mà xem bản chất tự nhiên như kẻ thù là phản bội sự sống. Cho rằng mình chế ngự được bản chất tự nhiên là nhổ đi thế quân bình của sự sống. Không có khả năng cảm nhận được Chúa trong trong những nét đẹp của vật chất và tinh thần, là đi qua cuộc đời với một quả tim lạnh lùng và một tâm hồn cằn cỗi.

2. Quan niệm Kitô giáo

Lập trường của Giáo hội phủ nhận thuyết Nhị nguyên, khẳng định bản tính của con người là đơn nhất: vừa tâm linh vừa xác thể. Công đồng Vat. II đã minh định: “Con người duy nhất với xác hồn” (GS 14). Kinh Thánh có dùng nhiều từ để chỉ về con người như:

Basar: sars (chair, xác thịt): “vì xác thịt anh em yếu đuối” (Rm 6, 19).

Nephes: psychê (âme, hồn, hơi thở, sự sống): “Hồn tôi khao khát” (Tv 84, 3).

Ruah: pneuma (esprit, thần khí, tâm linh): “Thần trí tôi mừng rỡ” (Lc 1, 14).

Những từ ngữ trên đều có ý nói con người cụ thể, con người toàn diện, chứ không tách biệt ra hai phần. Do đó, xác không phải là “nhà tù” của hồn, trái lại đều thuộc một bản tính con người duy nhất. Hơn nữa, tín điều về việc xác sống lại trong ngày sau hết sẽ vô nghĩa, nếu chỉ coi xác như một dụng cụ ngoại tại.

Còn về xác thịt đôi khi được Kinh Thánh coi như một ngăn trở cho đời sống hướng thượng, thì không có nghĩa là một yếu tố ngoại tại của con người. Thực ra Kinh Thánh có ý nói rằng: hoặc vì những lo lắng trong cuộc sống hằng ngày mà tâm linh bị chi phối (Kn 9, 15), hoặc vì con người cụ thể trong lịch sử cứu độ là kẻ tội lỗi có xu hướng tìm mình mà từ chối tiếng gọi của Thiên Chúa (x. Rm 7, 24; Ga 5, 17).

3. Thần học suy lý về bản tính con người

Để lý giải tính đơn nhất nơi con người, theo thánh Thomas d’Aquin, đó là một hữu thể gồm hai nguyên lý siêu hình: linh hồn thiêng liêng và chất thể đệ nhất:

– Linh hồn thiêng liêng là “mô thể” duy nhất nơi con người, là nguyên lý duy nhất cho hoạt động của lý trí, cảm giác, dinh dưỡng và thân xác.

– Còn “chất thể đệ nhất” (materia prima) là tiềm thể thuần túy, là nguyên lý giới hạn. Linh hồn điều khiển mọi sinh hoạt của thân xác, làm cho bản tính con người được hoàn hảo.

Thực ra, quan niệm này dựa trên triết học Aristote cho rằng, “mọi loài đều giống như con số”, nghĩa là số 1, 2, 3 tiềm tàng trong số 4 thế nào, thì sinh hoạt của thân xác cũng hàm chứa trong linh hồn như vậy. Đây là giải thích thuộc thời Trung Cổ. Ngày nay có những giải thích mới hơn, tiêu biểu là giải thích của Cha Teillard de Chardin.

Bàn về vạn vật trong thế giới hiện tượng này, Cha Teillard de Chardin cho biết rằng, trong bất cứ vật gì chúng ta đều nhận thức được hai phương diện: nội tại và ngoại tại:

– “Nội tại” là chính sự hiện hữu, là tính cách đơn nhất, thường hằng và có ý nghĩa đặc biệt của nó.

– “Ngoại tại” là cái lệ thuộc vào thế giới bên ngoài, là cái bao hàm những biến thái di dịch trong không gian và thời gian.

Nguyên lý làm cho con người hiện hữu, thường hằng, sinh động và ý thức, được gọi là “tâm linh”. Còn nguyên lý làm cho con người lệ thuộc không gian và thời gian được gọi là “thể chất”. Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng, con người cụ thể là chính “thân thể con người” (Le corps humain). Đó là một chất thể được hình thành do một tâm linh, và chúng ta cũng có thể gọi con người là một tâm linh phô diễn và thể hiện qua một chất thể.

Như thế, không phải con người “có” thân xác”, mà “là” thân xác, vì con người được “đăng ký” trong thời gian, có những liên hệ chặt chẽ với tha nhân và với vũ trụ. Nhờ cao độ hướng nội của con người (vai trò của lý trí và ý chí) mà con người thực sự đã vượt lên trên cả yếu tố không gian và thời gian là hai yếu tố riêng của vật chất.

Cần ghi nhận rằng, “tâm linh” và “thể chất” của con người không phải là hai phương diện mâu thuẫn nhau như chủ trương của Nhị Nguyên thuyết. Gọi là “tâm linh” tất cả những gì mà tính hướng nội của chúng ta đạt tới mức độ có thể tự thể hiện bằng ý thức phản tỉnh. Còn “thể chất” là tính “ngoại tại” của phương diện hướng nội. Cả “tâm linh” và “thể chất” đều lệ thuộc nguyên nhân phổ quát là Thiên Chúa Sáng Tạo.

Quan niệm Kitô Giáo và quan niệm duy vật về con người khác nhau, không phải ở chỗ xác nhận có hay không có một linh hồn thiêng liêng. Thật ra, cả hai bên đều công nhận là trong vũ trụ, nhất là nơi con người có một cái gì nội tại, có ý nghĩa, có lý trí, có nhân vị. Điểm khác biệt căn bản là:

– Những người theo thuyết Duy vật khẳng định thực thể của nền tảng vũ trụ và của con người chỉ là cái vẻ bên ngoài, là biến dịch, là ngẫu nhiên, là phức hợp, và không có yếu tố vĩnh cửu.

– Kitô Giáo xác định: dù là trong vũ trụ, nhất là nơi con người có vẻ bề ngoài, có biến dịch, có ngẫu nhiên và phức hợp, nhưng thực thể nền tảng của vũ trụ, và nhất là của con người là tính nội tại, có ý nghĩa, có lý trí, có nhân vị, thì tồn tại muôn đời.

Do đó, đối với thuyết duy vật, quá trình nhân hóa nơi con người có tính cách hoàn nguyên, nghĩa là sự sống sẽ chết đi, tất cả sẽ trở về tro bụi ban đầu. Trái lại, đối với Kitô giáo, quá trình nhân hóa tiến mãi theo chiều thuận, nghĩa là nhờ Cứu Chuộc, mỗi người sẽ trở thành vĩnh cửu.

4. Con người trong Đức Kitô

“Ngôi Lời đã làm người và đã cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14), nên những gì là “thần linh nhất” (le plus divin) được tỏ bày qua những gì là “con người nhất” (le plus humain), và ngược lại, những gì là “rất người” đều mang dấu ấn “thần linh”. Đi sâu vào kinh nghiệm về con người giúp ta đi sâu vào kinh nghiệm về Thiên Chúa. Mọi hành vi nhân linh đều có trọng lượng của nó, cảm được điều đó giúp ta nghiệm được chiều sâu thần linh.

Có thể nói rằng, tổng hợp Kitô giáo về con người là hướng thượng, và hướng về tương lai vĩnh cửu: tương lai đó là “sự sống đời đời nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5, 21), Đấng đã tưới gội mọi vết nhơ trần tục bằng chính máu mình. Và nhờ Thánh Thần của Người là Đấng đang hoạt động trong mọi tâm hồn, hướng đà tiến của nhân loại về nguồn sống vô biên là Thiên Chúa.

Như vậy, sự sống siêu nhiên đang hoạt động trong chính sự sống tự nhiên của con người và cả nơi mọi loài khác trong vũ trụ. Bởi vậy mà thánh Phaolô nói rằng: muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày giải thoát, không còn bị lệ thuộc vào cảnh hư nát nữa, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang (x. Rm 8, 19-21).

Cứ bề ngoài mà xét, ta thấy cuộc sinh hoạt của một cá nhân chẳng có là bao: sinh, sống, rồi chết. Cuộc đời kết liễu như thế, chẳng ai lấy làm thỏa mãn. Nguyện vọng tự nhiên của con người là muốn tồn tại mãi. Nhưng cái gì tồn tại bên kia đời hiện thế? Hoặc là chính cá nhân tồn tại, hoặc là một thực tại khác biệt với cá nhân, như xã hội, chủng tộc, quốc gia, khoa học, tiến bộ? Lập trường của Giáo hội không gạt bỏ những quan niệm trên, nhưng khẳng định cá nhân tồn tại vĩnh cửu.

Con người cũng như vũ trụ đã được sáng tạo thật là tốt đẹp, nhưng chưa hoàn hảo. Với sự hỗ trợ của Thiên Chúa, con người còn phải nỗ lực để “thành người”, để “nhân hóa” mình, tức là để chiếm lấy cái bản lĩnh, cái nhân cách, cái phẩm giá cao cả của mình: đó là nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, đồng thời cộng tác với Người mà hoạt động, bằng cách phát triển và tận dụng mọi khả năng để mưu cầu hạnh phúc trần thế và trường cửu cho mình cũng như cho tha nhân. Sứ mệnh tự nhiên nhưng cũng là siêu nhiên của mỗi người chỉ có thể thực hiện được cùng với Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô.

Cái nghịch lý của thời đại chúng ta là chỉ quan tâm đến một phần nơi con người: quan tâm đến vật chất đổi thay nhưng lại quên lãng tinh thần vĩnh cửu; lo tổ chức cho con người một cuộc sống trần thế hoàn bị mà đánh mất sứ mạng siêu nhiên của chính con người.

Ngay trong đời sống Giáo hội cũng vậy, cũng có những khi quá lo hoàn bị cơ cấu mà quên mất tính thiêng liêng của mình, nên người ngoài chỉ còn thấy nơi Giáo hội một tổ chức trần thế hơn là một thực thể thần thiêng. Hiện trạng đó mời gọi ta phải biết sống hòa hợp cả hai, biết lựa chọn và cân nhắc vấn đề theo bậc thang giá trị. Đừng như chim phượng hoàng quá say mồi, để rồi biến thành chú gà đi bươi móc rác rến hôi tanh, không còn khả năng bay về tổ ấm và vươn lên khoảng trời xanh cao đẹp vẫn dành cho mình.

Lm. Thái Nguyên

(còn tiếp)

Nguồn: gpcantho.com

Check Also

Nếu thai nhi bị dị tật có được phá không?

Quả thật xét theo tâm lý bình thường của con người, cha mẹ nào lại …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.