Những người phụ nữ giơ tấm biển kêu gọi bãi bỏ luật cầm phá thai. Ảnh: AFP/Jung Yeon-je

Hàn Quốc vẫn là một trong số ít các quốc gia phát triển có luật cấm phá thai, ngoại trừ trường hợp phụ nữ có thai do bị cưỡng bức và khi sức khỏe của người mẹ không đủ khả năng mang thai an toàn và có chỉ định phá thai của bác sĩ.Nhưng 7 trong số 9 thẩm phán thuộc Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã nhất trí cho rằng đạo luật có từ năm 1953 “vi phạm Hiến pháp” và luật này sẽ được chính thức dỡ bỏ vào cuối năm 2020.

“Lệnh cấm phá thai vi phạm nữ quyền và quyền của phụ nữ với sức khỏe của chính họ bằng cách giới hạn quyền tiếp cận các thủ tục nạo phá thai an toàn và kịp thời”, tòa tuyên bố.

Bật khóc vì vui sướng, hàng trăm phụ nữ bao gồm cả phụ nữ trẻ và những người khuyết tật, đã ăn mừng trước Tòa án Hiến pháp ở trung tâm thủ đô Seoul, nơi phán quyết chính thức được công bố.

“Quyết định hôm nay được đưa ra nhờ vô số người phụ nữ không ngừng đấu tranh cho quyền lợi của họ trong nhiều năm. Chúng tôi xứng đáng được thế giới chú ý và chúng tôi xứng đáng được công nhận”, nhà hoạt động Bae Bok-ju nói với AFP.

Theo lệnh cấm, những phụ nữ phá thai chui có thể phải ngồi tù một năm và bị phạt tiền, trong khi các bác sĩ thực hiện thủ thuật này có thể bị phạt tới hai năm tù.

Luật cấm phá thai đã được ban hành từ năm 1953 và dù hiếm khi có trường hợp bị truy tố vì nạo phá thai nhưng các nhà hoạt động đã tuyên bố quy định này khiến người phụ nữ phải trả rất nhiều tiền cho những thủ thuật không an toàn. Họ cũng phải chịu định kiến và kì thị nặng nề từ xã hội.

Theo phán quyết vừa được công bố, lệnh cấm phá thai sẽ được tự động dỡ bỏ vào ngày 1/1/2021, trừ khi một luật mới được Quốc hội đưa ra sớm hơn theo lệnh của tòa án.

Điều luật từ 66 năm trước

Các lời kêu gọi bãi bỏ luật cấm phá thai đã thu hút được sự chú ý của công chúng trong bối cảnh phong trào ủng hộ nữ quyền ngày càng gia tăng ở Hàn Quốc, nhưng nó cũng vấp phải sự phản đối không kém phần mạnh mẽ từ những người bảo thủ và và chịu ảnh hưởng lớn của Công giáo.

Tòa án Hiến pháp của Hàn Quốc bãi bỏ luật cấm phá thai đã tồn tại hàng thập kỷ. Ảnh: AFP/Jung Yeon-je

Vào năm 2012, Tòa án Hiến pháp đã quyết định duy trì luật này, cho rằng phá thai sẽ trở nên tràn lan nếu không có các biện pháp hạn chế và trừng phạt.Sau bảy năm sau, một cuộc thăm dò ý kiến vào hôm 10/4 cho thấy 58% người dân ủng hộ bãi bỏ điều luật này.

Theo các nhà vận động, luật cấm phá thai không công bằng với phụ nữ, đặc biệt phụ nữ trẻ có thai ngoài ý muốn – những người dễ bị tổn thương nhất trước sự kỳ thị và định kiến của những người xung quanh.

Phụ nữ trẻ mang thai thường bị buộc phải nghỉ học, hoặc chuyển đến các trường hẻo lánh, theo các nhóm vận động quyền cho thanh thiếu niên. Mặt khác, phụ nữ khuyết tật thường bị các thành viên trong gia đình buộc phải phá thai.

Một số nhà thờ Công giáo lớn nằm trong số những người bảo vệ cho lệnh cấm này.

Hội đồng Giám mục Hàn Quốc cho rằng “Phán quyết đã phủ nhận quyền sống của phôi thai không có khả năng tự vệ”.

Nhưng nhà hoạt động Kang Min-jin cho rằng mọi việc mới chỉ bắt đầu thôi.

“Đầu tiên, chúng tôi phải đảm bảo rằng thủ tục phá thai sẽ được bảo hiểm y tế chi trả,” Kang nói. “Không có nó, sức khỏe của nhiều phụ nữ sẽ tiếp tục gặp nguy hiểm.”

Một nhà vận động khác, Lim – người đã giữ bí mật về việc phá thai của mình trong hơn 25 năm – cho biết quyết định của tòa án sẽ cho phép phụ nữ tự do đưa ra quyết định về tương lai của mình mà không sợ bị xấu hổ.

“Giữ bí mật về việc phá thai đã khiến tôi cảm thấy có tội lỗi trong suốt những năm qua”, người phụ nữ 50 tuổi yêu cầu không được nêu tên để bảo vệ danh tính của mình đã tâm sự.

“Tôi muốn thấy một tương lai khác cho thế hệ tiếp theo.”

                                                                                                                                                               Theo Thời Đại